V.League 2022 có thể đá theo hình thức đấu cúp nếu COVID-19 phức tạp
Thứ sáu, 07/01/2022 12:45 (GMT+7)
Trong diễn biến xấu nhất có thể xảy ra xoay quanh việc COVID-19 làm gián đoạn lộ trình giải đấu, V.League hay hạng Nhất 2022 có thể tổ chức theo hình thức như đấu cúp, loại trực tiếp để tranh vô địch.
Cách đây không lâu, VPF đã thông báo về kế hoạch tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia 2022, bao gồm V.League, hạng Nhất và Cúp Quốc gia. Theo đó, V.League sẽ có 26 vòng đấu và diễn ra từ 19/2 đến 12/11. Hạng Nhất Quốc gia sẽ có 22 vòng đấu và diễn ra từ 5/3 đến 11/11.
Cúp Quốc gia sẽ khai mạc từ 6/4 và trận chung kết diễn ra vào 20/11. Phương án này nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ các đội bóng tham dự, nhất là sau 2 năm gặp nhiều khó khăn với thể thức rút gọn mùa giải, chia nhóm đua vô địch, trụ hạng để đối phó với dịch Covid-19.
Tuy nhiên để không bị động với dịch Covid-19 có thể dẫn đến mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2022 đi vào “vết xe đổ” của năm 2021, VPF cũng tính toán 2 phương án dự phòng. Kế hoạch này sẽ được LĐBĐ Việt Nam và các CLB đánh giá trước khi quyết định thông qua như những kế hoạch B, C nhằm đối phó với sự phức tạp và khó lường của dịch bệnh.
Ở phương án dự phòng đầu tiên, nếu V.League hay hạng Nhất 2022 không thể diễn ra trong tháng 2 và 3/2022 thì các giải đấu kể trên có thể chuyển sang thi đấu từ tháng 7/2022 – tức là lùi lại 4-5 tháng. Khi đó, thể thức tách nhóm ở giai đoạn 2 giống như 2 mùa giải 2020, 2021 sẽ lại được áp dụng.
Cụ thể, với V.League 2022, sau khi 13 đội thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm, BTC sẽ tiến hành tách nhóm, với 2 phương án có thể là nhóm 7 đội tranh vô địch, 6 đội đua trụ hạng hoặc nhóm 5 đội tranh vô địch và 8 đội xuống hạng. Lúc bấy giờ, V.League 2022 sẽ có 20 vòng với tổng số trận đấu là 114. Giải sẽ khai mạc từ 2/7 và kết thúc vào 13/11. Với giải hạng Nhất, giải sẽ diễn ra tương tự hình thức kể trên với 2 giai đoạn. Tổng số vòng đấu sẽ là 16 vòng với tổng cộng 96 trận. Giải sẽ diễn ra từ 9/7 đến 6/11.
Ở phương án dự phòng thứ 2, VPF dự báo 2 khả năng có thể xảy ra. Ở khả năng đầu tiên, đó là V.League đã diễn ra xong 13 vòng và hạng Nhất cũng đã khép lại 11 vòng của lượt đi. Khi ấy, hai giải đấu này sẽ tiến hành tách nhóm thi đấu giai đoạn 2 theo thể thức giống phương án dự phòng 1.
Với khả năng thứ 2, V.League hay hạng Nhất chưa thi đấu xong 13 vòng (V.League) hay 11 vòng (hạng Nhất) tại lượt đi. Lúc đấy, VPF đề xuất như sau: Căn cứ vào điểm số và xếp hạng của CLB cho đến thời điểm giải hoãn để tiến hành xác định nhánh đấu trực tiếp ở giai đoạn 2. Điểm số khi đó chỉ mang tính căn cứ chứ không tích luỹ sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 khi đó sẽ vận hành theo thể thức thi đấu loại trực tiếp giống như khi thi đấu cúp. Đội chiến thắng chung cuộc sẽ là đội vô địch giải đấu. Còn về suất xuống hạng, BCH VFF cùng VPF sẽ có quyết định sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Lấy đơn cử ví dụ như ở V.League 2021, nếu phương án dự phòng đặc biệt này được áp dụng thì sau 12 vòng đấu đã qua, 14 đội ở V.League sẽ tiến hành tách nhóm thành 7 cặp. Từ 7 cặp này, thể thức đấu loại trực tiếp sẽ diễn ra trước khi giải tìm ra đội thắng chung cuộc ở trận đấu knock-out cuối cùng.