xosogiadinh.com
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam Hạng nhất Quốc gia

Từ câu chuyện của Hoàng Đức: Cầu thủ cũng phải có 'kinh tế' mới nuôi được đam mê

Thứ ba, 15/10/2024 17:37 (GMT+7)

"Có kinh tế tốt mới nuôi được gia đình, chăm lo cho bố mẹ, thậm chí giúp đỡ họ hàng, người thân. Nếu lúc còn thi đấu tốt, chúng tôi không tính tới kinh tế thì sau này rất khó khăn". Đó là lời chia sẻ của Hoàng Đức sau khi anh chia tay Viettel để chuyển sang khoác áo Ninh Bình, qua đó để lại rất nhiều suy ngẫm cho các CĐV.

Có thể nhận khoản phí lót tay từ 8 tới 10 tỷ mỗi mùa, dự trù tổng số tiền có thể lên tới 26,8 tỷ, một con số khủng khiếp mà 1 cầu thủ Việt Nam được nhận. Nhưng điều kiện là phải chấp nhận đang từ V.League xuống đá hạng Nhất. Đó là lời đề nghị mà CLB Phù Đổng Ninh Bình dành cho Nguyễn Hoàng Đức.

Và rồi Đức chẳng ngần ngại gật đầu, qua đó khiến bóng đá Việt Nam rúng động với thương vụ chuyển nhượng thế kỷ. Tranh cãi như “sóng vỡ đê” bùng nổ, đương nhiên đi kèm là hàng ngàn lời chỉ trích tới Quả Bóng Vàng Việt Nam.

Từ câu chuyện của Hoàng Đức: Cầu thủ cũng phải có 'kinh tế' mới nuôi được đam mê - Ảnh 1
Hoàng Đức chia tay Viettel để xuống hạng Nhất thi đấu - Ảnh: Viettel FC

Đúng vậy, phi vụ của tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía giới chuyên môn và người hâm mộ. Mới đây, nhạc trưởng của Binh đoàn Rồng Vàng đã chính thức nói lời chia tay Thể Công Viettel, để chuyển tới khoác áo CLB Ninh Bình. Vấn đề nằm ở chỗ việc chuyển tới Ninh Bình, đồng nghĩa là Hoàng Đức đã chấp nhận chơi ở giải hạng Nhất. Tất nhiên, việc một trụ cột quan trọng bậc nhất đội tuyển quốc gia, mà lại phải chuyển xuống đá giải hạng Nhất đã gây ra rất nhiều tranh cãi.

Để rồi giữa lùm xùm ấy, đích thân Quả Bóng Vàng Việt Nam đã có những lời tuyên bố rõ ràng. Theo đó, tiền vệ sinh năm 1998 không ngần ngại cho biết việc anh đổi áo là về kinh tế. Mà khi đã nhận một khoản lót tay lớn, Đức sẽ giúp bản thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn. Cụ thể, Hoàng Đức phát biểu với VnExpress: 

“Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, cũng có những cầu thủ giỏi xuống chơi ở hạng dưới. Và đặc biệt, phía Ninh Bình có mục tiêu rõ ràng, họ muốn tôi giúp sức cho đội bóng thăng hạng. Tôi rất háo hức khi nghĩ đến viễn cảnh được cùng đội giành suất đá V.League mùa sau.

Có kinh tế tốt mới nuôi được gia đình, chăm lo cho bố mẹ, thậm chí giúp đỡ họ hàng, người thân. Nếu lúc còn thi đấu tốt, chúng tôi không tính tới kinh tế thì sau này rất khó khăn. Đời cầu thủ cũng như các VĐV thể thao khác rất ngắn. Có nhiều chỉ trích tôi vì tiền, nhưng mong mọi người hiểu. Nếu ở vào vị trí của tôi, mọi người cũng khó từ chối. Là con người, ai cũng muốn mình và gia đình có cuộc sống đỡ vất vả."

Không hề giấu giếm, đi thẳng vào vấn đề và nói rõ ràng quan điểm của mình. Có thể nói những lời chia sẻ trên của Nguyễn Hoàng Đức đã thay cho tiếng lòng của rất nhiều cầu thủ, vận động viên chẳng mỗi trong bóng đá, mà tất cả bộ môn thể thao nói chung.

Thứ nhất, có thể Hoàng Đức sẽ đá hạng Nhất lúc này, nhưng đâu có nghĩa là anh sẽ bị cắm rễ ở đó mãi. Vì sao Ninh Bình đủ khả năng thuyết phục được ngôi sao hàng đầu Việt Nam đầu quân cho mình? Là bởi họ có “lực”. Mà lực ở đây đã bao hàm cả về kinh tế lẫn tham vọng.

Từ câu chuyện của Hoàng Đức: Cầu thủ cũng phải có 'kinh tế' mới nuôi được đam mê - Ảnh 2
CLB Ninh Bình hiện thực hóa tham vọng bằng việc chiêu mộ cả Hoàng Đức và Văn Lâm - Ảnh: Ninh Bình FC

Với thái độ làm bóng đá nghiêm túc, chí ít cho tới lúc này để tạo nên dàn lực lượng khủng, việc Ninh Bình lên hạng mùa sau có lẽ nằm trong tầm tay. Và khi ấy, họ sẽ tiếp tục oanh tạc V League, thế thì chẳng phải Nguyễn Hoàng Đức vẫn thi đấu cho một trong những đội bóng hàng đầu Việt Nam hay sao.

Thêm nữa, bóng đá dẫu sao cũng là một công việc nếu xét theo góc nhìn từ cầu thủ. Mà đã là công việc, thì đam mê cỡ nào cũng phải đi đôi kinh tế. Hoàng Đức còn gia đình, người thân và thậm chí chính bản thân anh cũng cần tiền để duy trì cũng như phát triển cuộc sống.

Hợp đồng, các cuộc đàm phán đã ký kết và được sự chấp thuận của các bên liên quan. Tức là trên phương diện pháp lý, Đức cũng chẳng làm sai bất kỳ điều gì. Thậm chí, anh còn gửi tâm thư cảm ơn tất cả lãnh đạo, người hâm mộ Thể Công Viettel, và vô cùng trân trọng 13 năm gắn bó với CLB. Trọn vẹn cả lý lẫn tình, có chăng Đức phải nhận nhiều chỉ trích, cũng chỉ vì anh đang là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam, cho nên sức hút cả tích cực lẫn tiêu cực đều rất cao.

Mà đã nói về trường hợp Nguyễn Hoàng Đức, ta lại thấy con đường anh chọn hao hao ngôi sao Brazil – Oscar. Cũng đang ở đỉnh cao phong độ, song cầu thủ sinh năm 1991 dứt khoát rời Chelsea để tới Trung Quốc đầu quân cho Shanghai Port. Đó là vào năm 2017, khi ấy Oscar mới 26 tuổi – quãng đẹp nhất đối với một cầu thủ bóng đá.

Đang ở châu Âu quay ngoắt sang châu Á, Oscar chẳng ngần ngại công khai anh tới đó là vì tiền. Vốn có tuổi thơ bất hạnh, Oscar không muốn bản thân mình cùng gia đình, người thân phải sống trong nghèo khó. Người ta có thể chê Oscar bị tiền làm mờ mắt, đánh đổi cả sự nghiệp đỉnh cao. Thực chất cũng không sai, khi mà ngôi sao này khó bắt lại nhịp phát triển hối hả của trái bóng tròn, để rồi dần dần bị lãng quên trên tuyển Brazil.

Thế nhưng cựu sao Chelsea vẫn chơi bóng rất nghiêm túc, chứ không hề chỉ biết ôm tiền mà dạo chơi tại Trung Hoa đại lục. Sau 8 năm, anh đã phát triển thành một huyền thoại của China Super League với 234 lần ra sân, ghi hơn 70 bàn thắng và có hơn 130 đường kiến tạo ở mọi đấu trường. Oscar cũng hai lần vô địch Trung Quốc vào các năm 2018 và 2023, đồng thời giành một Siêu Cúp năm 2019.

Từ câu chuyện của Hoàng Đức: Cầu thủ cũng phải có 'kinh tế' mới nuôi được đam mê - Ảnh 3
Câu chuyện của Hoàng Đức làm người ta liên tưởng đến trường hợp của Oscar

Kể cả trong bối cảnh  bóng đá Trung Quốc lao đao vì khủng hoảng, cả về tài chính lẫn tham nhũng, dàn xếp tỉ số, các ngoại binh đắt giá lần lượt rời đi. Riêng Oscar vẫn ở lại. Điều này khiến anh nhận được sự yêu mến rộng rãi của người hâm mộ Trung Hoa, không chỉ ở Shanghai Port.

Đương nhiên mối liên kết này vẫn tồn tại chữ “tiền”, khi tại đất nước tỷ dân, Oscar nhận mức lương lên tới 24 triệu euro 1 mùa. Và như một người nhân viên xuất sắc, ngôi sao xứ Samba đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để nhận về đãi ngộ xịn nhất.

Vậy nên từ câu chuyện của Oscar cho tới Nguyễn Hoàng Đức, ai mà chẳng có mưu cầu gia tăng kinh tế để lo cho bản thân và gia đình. Cái khác nhau ở đây là cách họ tiếp nhận như thế nào mà thôi. Thực sự những ngôi sao ấy đáng bị lên án chê trách, nếu như họ nhận tiền, nhận lương khủng mà đá hời hợt, “cưỡi ngựa xem hoa” qua ngày qua tháng. Cái đó là vô trách nhiệm.

Nhưng như Oscar từng cống hiến cho Shanghai Port, và bây giờ là Hoàng Đức với quyết tâm đưa Ninh Bình lên V League rồi chạm tới đỉnh cao thì chẳng có gì phải gạch đá dữ dội cả. Đơn giản họ vẫn làm công việc của mình, và nhận về thù lao đúng với công sức bỏ ra, cộng với đó là danh tiếng – thứ vũ khí mang tên “thương hiệu” để giúp chính CLB chủ quản thu về lợi ích kinh tế. Đôi bên cùng có lợi, như vậy chẳng phải vẫn là tốt đúng không nào.      

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá