Hiện tại, Thuỳ Dung đang là gương mặt quen thuộc ở các chương trình thể thao của đài truyền hình K+. Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với nghề biên tập viên thể thao?

Mình nghĩ việc mình từng là một vận động viên chuyên nghiệp đã có sự liên quan nhất định rồi. Thực ra công việc BTV và MC thể thao không phải lựa chọn đầu tiên của mình. Tuy nhiên, mình phát hiện truyền hình cũng như thể thao có rất nhiều điều thú vị. Trong quá khứ, mình đã có quãng thời gian dài thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Vì vậy, nếu như mình giải nghệ mà không làm gì liên quan đến thể thao sẽ rất phí. Hơn hết, nỗi nhớ về thể thao đối với mình vẫn còn. Khi làm một BTV và MC thể thao, mình cảm thấy bản thân được sống lại khoảng thời gian khi mình còn là VĐV. Mình yêu thích công việc này và nghĩ rằng nó thực sự phù hợp với một VĐV đã giải nghệ như mình. 

Ở giai đoạn đầu, khi còn là một “tân binh” ở đài truyền hình, bạn đã gặp phải những khó khăn gì? Môi trường làm việc ở đài truyền hình có khắc nghiệt không?

Mình nghĩ nếu bản thân cầu tiến và muốn vươn lên thì môi trường làm việc nào cũng khó khăn. Bản thân mình không có nền tảng là một MC hay BTV truyền hình. Kiến thức về thể thao giúp mình bắt nhịp nhanh với công việc. Tuy nhiên, từ một VĐV thể thao, làm kinh doanh cho đến trở thành người đứng trước ống kính là câu chuyện hoàn toàn khác. Vì vậy, mình đã phải học hỏi, rèn luyện bản thân rất nhiều. 

Khoảng thời gian đầu khi làm ở đài truyền hình, vì là tân binh nên mình không được giao quá nhiều công việc. Mình phải đi theo các anh chị lớn hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn để học hỏi, từ đó có thể làm những công việc của riêng mình. Mình còn nhớ có khoảng thời gian đầu khi mình mới vào đài, mình đã tự trang trải kinh phí để vào Sài Gòn quay những môn thể thao mà trước giờ mọi người chưa làm, còn nhà đài cũng chưa muốn đẩy mạnh, sau đó mình tự biên tập lại nội dung. Mình nghĩ mình luôn cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhất công việc được giao, đồng thời học hỏi thêm để tích lũy kinh nghiệm. 

BTV Thùy Dung: Tôi từng là người khó gần khi chơi tennis, phải học cách mở lòng và nói lời yêu thương

Trong quá trình tác nghiệp, sự cố là điều không thể tránh khỏi. Có câu chuyện nào khiến bạn nhớ mãi đến bây giờ không?

Mình nhớ có một hôm mình đi quay về quần vợt. Khi mình đang đứng chào trong đoạn phỏng vấn thì có một bạn trong đội quần vợt Hà Nội đã đánh thẳng quả bóng vào ngay đầu mình từ phía sau. Mỗi lần xem lại đoạn phim đó mình vẫn còn buồn cười. Lúc đó mình vừa tức mà vừa không biết phải làm gì cả, đành phải cười cho qua thôi. Tuy nhiên, mình nghĩ đây là sự cố khi đi quay mà mình nhớ nhất cho đến tận bây giờ. 

Ngược lại thì sao, đâu là chương trình ấn tượng nhất, cho bạn nhiều cảm xúc nhất?

Chương trình mình ấn tượng nhất là Úc Mở rộng 2022. Đây cũng là mong muốn của mình từ rất lâu rồi. Từ khi chuyển sang K+, mình đã hỏi các anh chị rất nhiều lần là liệu mình có cơ hội được bình luận tại một giải Grand Slam hay không. Mình rất yêu thích Novak Djokovic và muốn được bình luận các trận chung kết có mặt anh ấy. Bên cạnh đó, sự khắc nghiệt của các giải Grand Slam khác hẳn so với các giải đấu khác. Tất cả mọi người đều khao khát giành chiến thắng và phải chiến đấu với 200% khả năng mới có thể vô địch. Chính vì thế, sau khi nghe thông tin rằng K+ có bản quyền Úc Mở rộng, mình cảm thấy rất vui. Ước mơ của mình đã trở thành sự thật. 

Úc Mở rộng 2022 lại không có sự góp mặt của Djokovic? Liệu bạn có cảm thấy hụt hẫng không?

Thực ra mình cũng bị hụt hẫng đôi chút. Trước khi bước vào giải đấu và bình luận những ngày đầu tiên, mình hơi buồn và cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đấy. Tuy nhiên, đến lúc bắt tay vào làm, sự thiếu vắng của Nole lại không làm mình quá bận tâm nữa, bởi mình đã quá bận rộn với các tay vợt khác rồi. 

Bên cạnh đó, lần đầu tiên được bình luận một trận chung kết Grand Slam vô cùng kịch tính, kéo dài đến 5 set, mọi thứ đều rất xúc động. Mình nghĩ đây sẽ là sự kiện mà mình không thể quên trong sự nghiệp. Bởi vì nếu được bình luận các trận chung kết Grand Slam thứ 2 hay thứ 3 thì cảm xúc sẽ không bao giờ giống như lần đầu tiên. 

Khi chơi thể thao chuyên nghiệp, các VĐV có lẽ đều sợ thất bại, sợ những trận thua, sợ khiến các CĐV thất vọng. Vậy khi trở thành một biên tập viên nổi tiếng như hiện tại, bạn sợ nhất điều gì?

Mình nghĩ điều đáng sợ nhất là không vượt qua chính bản thân mình. Khi làm VĐV cũng thế thôi. Nếu thi đấu dưới sức, không giành được thành tích như mong đợi, mình sẽ thấy buồn, thấy thất vọng về bản thân. 

Mình không bao giờ có suy nghĩ phải giành chiến thắng này hay danh hiệu nọ cho các CĐV. Tất nhiên, người hâm mộ luôn là ưu tiên, nhưng sẽ luôn phải đứng sau bản thân mình, bởi vì mình phải tốt trước đã mới có cái gì đó để dành tặng cho người hâm mộ. Nếu mình có nhiều CĐV chẳng hạn, mà lại chẳng có thành tích gì, lúc nào cũng thi đấu dưới sức thì thực sự đáng buồn. Chính vì thế, kể cả trong công việc hiện tại hay trước đây, mình luôn phải làm tốt phần việc của mình, đạt được mục tiêu của mình trước đã. Dù có thất bại thì đổi lại, mình sẽ gặt hái được kinh nghiệm. Đó là điều mà mình hướng tới. 

Ngoài vai trò là một biên tập viên truyền hình, Thùy Dung còn nổi tiếng trong cả lĩnh vực kinh doanh. Bạn có thể chia sẻ về các dự án kinh doanh của mình từ khi chia tay quần vợt đến bây giờ không? 

Sau khi chia tay quần vợt chuyên nghiệp vào năm 2010, mình chuyển sang kinh doanh, cụ thể là làm về nhà hàng ăn uống trong TP. HCM. Vì là tay mơ, một mình bước vào thương trường sẽ rất khó nên hồi đấy, mình làm chung với một vài người bạn nữa, với ý tưởng là kinh doanh đồ ăn vặt. 

Thật ra thì từ năm 2009, mình đã nhen nhóm ý tưởng này rồi. Thông thường, khi nhắc đến ăn vặt, người ta sẽ nghĩ đến ăn ngoài lề đường, ở những hàng quán hơi lụp xụp một chút với các món như nem chua rán, bún đậu mắm tôm hay bánh tráng trộn. Bọn mình nghĩ tại sao lại không mở một quán có đủ những món như vậy, nhưng lại ăn ở trong nhà hàng, ở nơi sang xịn mịn một chút, có điều hoà, máy lạnh, bởi vì thời tiết ở TP. HCM khá nóng. Thật bất ngờ khi hiệu ứng dành cho quán đầu tiên khá tốt. Ngay tháng đầu tiên, bọn mình đã có lãi rồi. Mình nhớ là chỉ sau 8-10 tháng, bọn mình đã mở quán thứ 2 ở quận nhất. Quán này to gấp đôi so với quán đầu tiên và mọi thứ được vận hành trơn tru.

Đây là những dự án đầu đời của bọn mình. Sau quá trình 5 năm, bọn mình cần có sự thay đổi, chuyển tiếp mô hình để có thể giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, mỗi người lại có những dự án riêng. Bản thân mình cũng có dự án về frozen yogurt. Đây là đồ ăn mình rất là thích khi còn thi đấu chuyên nghiệp. Khi đó, mình sang Mỹ và có ăn thử sữa chua bên đấy. Đây là một món rất đặc biệt, ngon và tốt cho sức khỏe. Mình muốn làm mô hình đó từ năm 2009 và đến năm 2012, mình có cơ hội mở một quán như thế. 

Đến năm 2014, ở tuổi 27, mình muốn quay trở về HN để gần gia đình. Mỗi người đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời lại có những suy nghĩ khác nhau. Tất nhiên gia đình cũng không cần mình phải làm điều gì đó quá kinh khủng, nhưng bố mẹ lớn tuổi hơn rồi, mình muốn ở gần để trở thành chỗ dựa tinh thần. Vì vậy, mình nghĩ mình cần làm điều gì đó tại Hà Nội, tại quê hương của mình. 

BTV Thùy Dung: Tôi từng là người khó gần khi chơi tennis, phải học cách mở lòng và nói lời yêu thương

Tôi muốn hỏi thêm về Cinebar, nơi chúng ta đang ngồi trò chuyện. Tại sao chị lại chọn mô hình kinh doanh này và cái tên Cinebar có ý nghĩa gì?

Sau khi trở về Hà Nội, mình đã vào làm ở đài truyền hình. Trong khoảng từ năm 2015 đến 2019, mình lại nổi máu kinh doanh và quyết định làm một chuỗi homestay. Nhiều lúc mình cũng loay hoay, tham làm những cái mới. 

Mình thích uống rượu. Tuy nhiên, khi còn là VĐV, mình sẽ phải kỷ luật với bản thân, không được uống đồ có cồn, đồ uống có ga hay nước ngọt, không được ăn đồ ngọt. Đến sau này, khi nghỉ thi đấu, mình mới thoải mái hơn trong việc sinh hoạt. Mình rất thích đi các quán rượu vang, cocktail bar hay rượu whiskey. Mình nghĩ tại sao mình lại không mở một quán cho riêng mình, cho những người có chung sở thích với mình. Ngoài ra, mình rất thích xem phim, xung quanh đây cũng có rất nhiều rạp chiếu phim. Đây là sự kết hợp rất thú vị để tạo ra concept của Cinebar. Mọi thứ xuất hiện cùng một lúc, như thiên thời địa lợi nhân hoà vậy. Vì thế, mình đã bắt tay làm quán Cocktail and Cinebar này. Còn cái tên Cinebar thì mình muốn lái một chút như từ “cinema” - rạp chiếu phim. 

Đối với bạn, đâu là thử thách lớn nhất trong kinh doanh, là khâu ý tưởng, việc quản lý nhân sự hay một yếu tố nào khác?

Mình nghĩ có 2 yếu tố quan trọng. Đầu tiên là vốn. Khi mình có ý tưởng và bắt tay vào làm, mình phải làm việc với các cộng sự để có dòng vốn nhằm duy trì ổn định quán trong giai đoạn đầu và cả các giai đoạn khó khăn. Giống như trường hợp của Cinebar, không ai ngờ trong 3 năm vừa qua, chúng ta phải chịu ảnh hưởng nặng nề của của dịch bệnh. Quán vì thế cứ mở rồi lại đóng liên tục. 

Thứ hai là quản lý nhân sự. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, bởi đồ đạc hay tiền bạc thì mình có thể kiểm soát được, còn con người thì mỗi người mỗi tính mỗi nết. Mình không thể biết được mọi người đang suy nghĩ gì hay bước tiếp theo họ sẽ làm gì. Khi có nhân sự giỏi, mình phải làm thế nào để giữ chân họ. Khi có trục trặc giữa các nhân sự với nhau, mình phải biết cách xử lý để họ có thể tiếp tục làm việc cùng nhau. Bên cạnh đó còn là câu chuyện đào tạo nhân viên, làm sao để họ có thể đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, để khách hàng cảm nhận quán của mình là nơi ấm cúng, thân thiện. 

Theo Thùy Dung, việc bạn từng là một VĐV tennis nổi tiếng trong quá khứ, với danh xưng “Nữ hoàng banh nỉ Việt Nam” đem lại cho bạn những giá trị, lợi thế gì cho 2 công việc hiện tại?

Mình nghĩ việc mình từng thi đấu đỉnh cao và có được các danh hiệu sẽ bổ trợ cho công việc biên tập viên nhiều hơn. Bởi vì mình đã từng trải qua những cảm giác mà không nhiều người có được, ví dụ như việc tập luyện và thi đấu đỉnh cao. Vì vậy, khi mình là biên tập viên, bình luận viên, mình có thể đặt bản thân vào vị trí của các vận động viên, có thể hiểu họ nhiều hơn để truyền tải cho khán giả những điều mà có lẽ mọi người sẽ không nhìn thấy. Bản thân mình cũng hoàn toàn thoải mái trong việc chia sẻ. 

Còn với công việc kinh doanh, mình nghĩ dù có quan hệ rộng đến đâu hay nổi tiếng thế nào thì sản phẩm của bạn mới là yếu tố quyết định. Khi bạn nổi tiếng, mọi người có thể đến vì bạn trong lần đầu tiên, nhưng để có lần thứ hai, thứ ba thì chắc chắn quán của bạn hay sản phẩm của bạn phải có gì đó thú vị và thu hút người ta. Còn nếu mình cứ bám mãi vào tên tuổi, vào danh tiếng thì chắc chắn sẽ thất bại. 

BTV Thùy Dung: Tôi từng là người khó gần khi chơi tennis, phải học cách mở lòng và nói lời yêu thương

Trước đây, bạn từng nói “tennis như một cuộc chơi”. Vậy với 2 công việc hiện tại là BTV và kinh doanh thì sao, đây có phải 2 cuộc chơi khác trong sự nghiệp của bạn không? Nếu có thì đâu là cuộc chơi thú vị nhất?

Đối với bản thân mình, công việc nào cũng quan trọng. Khi mình đã xác định là muốn làm thì công việc đó phải có gì đặc biệt. Còn nếu chỉ là một thứ lêu hêu thì mình sẽ không quyết tâm theo đuổi đâu. Mình cũng tự nhận thấy bản thân rất may mắn vì luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Ngay từ khi còn nhỏ, mình đã được làm những điều mình muốn. 

Mình nghĩ khi làm một cái gì đó mà quá chú trọng chuyện tiền bạc và thương mại thì sẽ rất áp lực. Đôi lúc, áp lực đấy sẽ khiến bạn đi sai hướng. Ví dụ, giờ bạn muốn bán một ly đồ uống với giá 100 nghìn. Nếu giảm giá nguyên vật liệu xuống tối thiểu để được lời nhiều hơn thì chắc chắn bạn sẽ không thể mang đến một ly đồ uống ngon cho khách hàng được. Nhưng bản thân mình thì khác. Mình sẽ phải cân đối làm sao để vẫn có thể đem đến ly đồ uống ngon nhất cho khách hàng trong khả năng của mình, dù lợi nhuận ít đi một chút nhưng mình sẽ giữ chân được họ vì chất lượng sản phẩm. 

Ngay cả khi mình chơi quần vợt cũng như thế. Mình luôn muốn bản thân đạt được danh hiệu, vậy thì mình sẽ phải tập luyện làm sao để đạt được những thành tích bản thân đã đề ra và đi đường dài. Đối với một VĐV, rất nhiều thứ có thể khiến mình sao nhãng việc tập luyện và thi đấu, ví dụ như đi quảng cáo nhiều, đi thi đấu những giải không chính thức để có được mức thu nhập tốt hơn. Chính vì thế, khi được hỏi, mình luôn luôn trả lời rằng mình phải làm tốt công việc của mình trước, hoàn thành tốt mảng chuyên môn của mình trước đã. Khi đó, tiền tài và danh vọng sẽ theo mình sau. Còn nếu cứ chạy theo tiền tài và danh vọng thì có thể mình sẽ chẳng nhận lại gì cả.

Trong một bài phỏng vấn, Lý Hoàng Nam từng chia sẻ với chúng tôi rằng tennis là một môn thể thao khắc nghiệt. Các VĐV tennis hầu như không có bạn, vì họ phải dành rất nhiều thời gian để tập luyện, thi đấu. Vậy thì đối với Thuỳ Dung thì sao, nhận định này có đúng với bạn thời còn thi đấu chuyên nghiệp không?

Mình nghĩ tennis là một môn đặc thù, một môn thể thao cá nhân. Tennis cũng có nội dung đánh đôi, nhưng khi thi đấu, mình sẽ bắt cặp với một VĐV của nước khác, đánh xong một giải rồi thôi. 

Khi tập trung cho sự nghiệp, mình sẽ phải đi tập huấn, đi thi đấu thường xuyên, một tháng phải đi mấy lần. Mình phải sống xa nhà, nay đây mai đó nên chuyện kết bạn khó lắm. Có thể sẽ có những người bạn thỉnh thoảng hỏi thăm nhau. Ở thời điểm hiện tại, việc mọi người hỏi thăm nhau rất dễ. Chúng ta có Facebook, Instagram, gọi facetime không tốn tiền. Nhưng ở cái thời mình còn chơi chuyên nghiệp, liên lạc khó hơn rất nhiều, thành ra việc mình kết bạn và giữ được những mối quan hệ đấy cũng khó theo. Không những vậy, chơi với các bạn trong cùng một môn thể thao lại càng khó hơn. Tất nhiên, mình vẫn muốn rạch ròi, ở trên sân thì là đối thủ, còn ở ngoài thì là bạn bè. Tuy nhiên, vẫn có gì đó gợn gợn, có thể không phải từ mình mà là từ người bạn đấy chẳng hạn. Vì vậy, mình nghĩ các VĐV thể thao rất cô độc, đặc biệt là môn quần vợt, hoặc những môn thể thao thi đấu đối kháng. Mình sẽ phải làm tất cả mọi thứ một mình. Lâu dần, nó cũng trở thành bản tính, cá tính của mỗi người, rất độc lập, nhưng cũng rất cô đơn. 

BTV Thùy Dung: Tôi từng là người khó gần khi chơi tennis, phải học cách mở lòng và nói lời yêu thương

Ngoài các mối quan hệ, bạn còn phải đánh đổi những gì khi thi đấu chuyên nghiệp?

Khi còn là một VĐV chuyên nghiệp, mình phải dậy sớm tập luyện, sáng từ 8h - 8h30 đến 11h30 - 12h00, nghỉ trưa khoảng 2 tiếng, rồi 2h chiều lại bắt đầu ra sân tập đến 5h. Gần như ngày nào mình cũng tập luyện khoảng 8 tiếng đồng hồ. Không những vậy, quần vợt lại là môn phải tập luyện ngoài trời. Có những hôm mình tập ở Thái Lan, thời tiết có khi lên đến tận 40 độ, cảm giác như mình tập đến chảy máu cam. Ngày nào cũng phải phơi nắng, đến khi đi thi đấu thì thời tiết cũng nắng kiểu như vậy. 

Mình hay nói đùa với bạn bè là mình không có tuổi thơ. Rõ ràng là tuổi thơ của mình gắn liền với vợt, bóng rồi tập luyện, thi đấu. Mình không giống như các bạn đồng trang lứa. Chẳng hạn như các bạn đi học cấp 3 rồi đại học, có những kỷ niệm thời học sinh, sinh viên, còn kỷ niệm của mình ở cái độ tuổi đó gần như không có. Vì vậy, mình nghĩ rằng mình bị già sớm, vì mình phải lo nghĩ quá nhiều cho sự nghiệp. Mình phải tự mày mò mọi thứ một mình bởi thời điểm đó, ở Việt Nam không có ai, không có HLV nào có thể giúp mình. Mặc dù vậy, đổi lại thì mình lại có những trải nghiệm tuyệt vời. 

Vậy khi đối mặt với sự cô đơn, với những khó khăn mà bạn vừa kể, đâu là động lực để bạn tiếp tục theo đuổi đam mê?

Thời gian còn chơi chuyên nghiệp, cũng có lúc mình phải khóc. Bản thân mình cũng có những lúc thất bại và ko chia sẻ được với ai, chỉ biết khóc một mình thôi. Tuy nhiên, khi theo đuổi thể thao, mình chắc chắn phải thất bại rất nhiều lần trong đời. Nếu như lần nào thất bại cũng suy sụp thì mình không thể khá hơn được. Chính vì thế, mình sẽ phải tập làm quen với thất bại, chắt lọc kinh nghiệm để có thể thi đấu tốt hơn ở các giải đấu sau.

BTV Thùy Dung: Tôi từng là người khó gần khi chơi tennis, phải học cách mở lòng và nói lời yêu thương

Tennis ảnh hưởng như thế nào đến tính cách ngoài đời của bạn? Dường như tennis đã biến Thùy Dung trở thành một người vô cùng mạnh mẽ?

Mình nghĩ rằng khi là một VĐV chuyên nghiệp, bạn phải làm việc độc lập. Đôi lúc, sự độc lập đó làm cho mình trở nên khó gần, dù mình không phải kiểu người quá chảnh chọe hay thích thể hiện. Hằng ngày, mình luôn tập cho bản thân một thói quen là khi ra sân đấu, dù thắng hay thua, dù đau chân, đau tay hay đang rất mệt mỏi thì vẫn phải thể hiện như không có vấn đề gì xảy ra, tức là mình không được để lộ điểm yếu của bản thân cho đối thủ biết. Khi thói quen này lặp đi lặp lại, mình đôi lúc sẽ trở thành một con người không có nhiều cảm xúc, tức là mình sẽ giấu cảm xúc rất giỏi. 

Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, khi bạn giấu giếm cảm xúc quá nhiều, mọi người xung quanh có đôi lúc sẽ nghĩ rằng bạn không hết mình, không hết lòng, không đủ yêu quý, thân thiết với mọi người nên không chia sẻ điều gì cả. Khi gặp một vấn đề gì đó, mình sẽ xử lý nó trước rồi sau đó mới đi kể với mọi người. Nhưng mọi người sẽ đặt câu hỏi ngược trở lại là tại sao không nói ra, bởi biết đâu họ có thể giúp mình thì sao. Thành ra cái việc mình giấu giếm cảm xúc vào bên trong đôi lúc sẽ làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh. 

Liệu có sự đối lập nào giữa Thùy Dung khi còn là một VĐV tennis và Thùy Dung của hiện tại không? Vì theo bạn chia sẻ, bạn có rất ít bạn khi còn đi thi đấu, luôn làm việc một cách độc lập, luôn giấu giếm cảm xúc thật, còn khi trở thành một biên tập viên và làm kinh doanh thì lại rất cần sự hoạt ngôn, quảng giao và nhiều mối quan hệ xã hội. Làm thế nào để bạn có thể vượt qua rào cản trước đây để trở thành một phiên bản hoàn toàn khác của bản thân?

Mình nghĩ bản thân mình cũng phải học cách chia sẻ nhiều hơn. Giai đoạn đầu, mình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như khi mình bộc bạch suy nghĩ hay quan điểm nào đó, mình lại có cảm giác ngượng nghịu và không hề thoải mái một chút nào. Kể cả đến bây giờ cũng thế. Tuy nhiên, mình vẫn phải cố gắng thôi, cố gắng chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình, nói ra những vấn đề mà mình đang gặp phải, kể cả trong mối quan hệ gia đình. 

Ngày xưa, mẹ mình nhận xét mình là một người rất lạnh lùng. Nhưng sau khoảng thời gian thi đấu chuyên nghiệp và “hòa nhập với cộng đồng”, mình cần phải thay đổi. Có thể mình sẽ nói lời yêu thương nhiều hơn. Mình không thể nghĩ rằng ai cũng là đối thủ trên sân, rồi mình phải thắng người ta hay người ta phải đánh bại mình. Bản thân mình sẽ phải từ từ bỏ suy nghĩ đấy. Mình nghĩ rằng Thùy Dung của hiện tại mềm mại hơn, suy nghĩ cũng nhẹ nhàng hơn so với khoảng thời gian còn chơi quần vợt chuyên nghiệp.

BTV Thùy Dung: Tôi từng là người khó gần khi chơi tennis, phải học cách mở lòng và nói lời yêu thương

Quay trở lại thời điểm năm 2010, khi Thùy Dung tuyên bố giải nghệ để rẽ hướng sang kinh doanh, đâu là lý do khiến bạn quyết định treo vợt một cách đột ngột ở độ tuổi 23?

Bởi vì bản thân mình hiểu mình có thể tiến xa đến đâu. Có thể mình sẽ chơi quần vợt thêm được 5 năm hoặc 10 năm nữa, hoặc là đến tận bây giờ mình mới nghỉ chẳng hạn. Tuy nhiên, mình hiểu rằng sự cạnh tranh của quần vợt chuyên nghiệp khắc nghiệt như thế nào. Bản thân mình lúc đó đã lọt vào đến top 600 WTA. Nếu thi đấu tiếp, mình có thể sẽ giành thêm vài chức vô địch Việt Nam, và trước đó mình đã có 4 cái rồi. Nhưng nếu có thêm 3 hay 5 chiếc cúp nữa, hoặc có lọt vào top 500, 400 thế giới thì vẫn không đủ so với những gì mình phải trải qua, phải bỏ công sức, bỏ thời gian để tập luyện. Mình tự biết khả năng của mình tới đâu, có thể đi xa được tới đâu. Mình nghĩ rằng mình nên treo vợt để có thể tập trung cho những định hướng, mục tiêu khác trong công việc của mình. Đó cũng là quyết định phù hợp nhất ở thời điểm đấy. 

Thời điểm bạn tuyên bố giải nghệ, bạn có phải chịu nhiều sức ép không? Phản ứng của mọi người xung quanh ra sao?

Mọi người cũng cảm thấy bất ngờ với quyết định dừng lại của mình. Gia đình cũng khuyên nhủ rằng liệu mình có thể thi đấu thêm vài năm nữa hay không, bởi mình khi đó vẫn còn rất trẻ. Mọi người có khuyên, nhưng thực chất thì không ai phản đối cả. Họ hiểu rằng mình đã trải qua một quá trình đủ dài, và mình sẽ hiểu rõ nhất điều gì là tốt cho bản thân. 

Thực ra, mình luôn nghĩ rằng nếu mình được chơi quần vợt chuyên nghiệp ở giai đoạn hiện tại thì tốt biết bao, bởi vì mình sẽ làm được nhiều thứ hơn. Cụ thể, khi mình đi tập huấn hay đi thi đấu, việc tìm kiếm thông tin ở thế giới phẳng dễ dàng hơn ngày xưa rất nhiều. Ở thời của mình, khi đi tìm thông tin của các học viện để đăng ký tập luyện, thông tin của HLV hay giải đấu, địa điểm sẽ rất hiếm và đắt. Còn bây giờ, mọi thứ đã dễ dàng hơn rất nhiều. Mình luôn nghĩ giá như mình được thi đấu chuyên nghiệp ở thời điểm hiện tại. 

Có bao giờ bạn nghĩ quyết định giải nghệ đột ngột đó có tác động đến các tay vợt ở thế hệ sau hay không? 

Mình nghĩ các tay vợt hoặc các VĐV thể thao đều rất cá tính. Họ biết điều gì tốt cho bản thân. Đối với môn quần vợt, đây là môn thể thao độc lập, phát triển một cách cá nhân chứ không theo dạng đội tuyển như bóng đá. Mình đã trải qua 1 quãng đường đủ dài để có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với các VĐV trẻ hơn, hoặc với những người đang muốn lựa chọn con đường khác cho sự nghiệp của mình như đi học đại học bên Mỹ, kiếm học bổng rồi chuyển sang chơi chuyên nghiệp, hoặc tập luyện từ bé rồi tìm đến một học viện nào đấy. Họ có thể tham khảo ý kiến của mình để xem là đối với người đi trước thì lựa chọn đó có ổn hay không. Mình nghĩ rằng mọi người đến với mình để hỏi về kinh nghiệm mình có và sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định nghỉ thi đấu sớm của mình đâu!

BTV Thùy Dung: Tôi từng là người khó gần khi chơi tennis, phải học cách mở lòng và nói lời yêu thương

Hiện tại, quần vợt Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn chỉ dừng lại ở cấp độ Đông Nam Á. Theo bạn, đâu là những nguyên nhân khiến chúng ra vẫn chưa thể vươn mình ra thế giới?

Đầu tiên, xây nhà thì phải có móng. Mình nghĩ việc đào tạo các tay vợt trẻ của Việt Nam hiện tại chưa đủ dày. Nếu một năm có khoảng 10000 tay vợt trẻ thì có thể 10 hoặc 15 năm nữa, may ra chúng ta mới có được khoảng 5 tay vợt có thể thi đấu ATP hoặc WTA. Còn bây giờ, đầu vào quá ít. Mỗi đơn vị đi thi đấu chỉ mang theo vài VĐV, nguyên cả giải đánh đi đánh lại cũng toàn gương mặt cũ mèm. Có những tay vợt đến 40 tuổi, giải nghệ rồi quay trở lại thi đấu giải quốc gia vẫn ăn giải, như thế thì khó phát triển được. 

Mình nghĩ Lý Hoàng Nam có lẽ là trường hợp đặc biệt. Cậu ấy có được sự hậu thuẫn rất tốt của các đơn vị tài trợ từ khi còn bé, từ thời ở Becamex Bình Dương và bây giờ là Hải Đăng Tây Ninh. Nam sinh đúng thời, gặp đúng người và có sự quyết tâm, mọi thứ giống như “Thiên thời, địa lợi nhân hòa”. Vì vậy, Nam đã trở thành tay vợt Việt Nam thành công nhất ở thời điểm hiện tại. 

Nếu bây giờ chúng ta có khoảng 1000 VĐV giống Nam thì chắc chắn quần vợt Việt Nam cũng sẽ có VĐV ghi tên lên BXH ATP, có thể lọt top 200. Đó là điều mình có thể dự đoán được. Hoàng Nam cũng đã có thời điểm lọt vào top 400 ATP nên mình nghĩ rằng đầu vào càng nhiều thì khả năng thành công càng cao. 

Quá trình để các VĐV tập luyện và thi đấu cũng rất tốn kém. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là phải làm sao để các VĐV vượt qua được giai đoạn đấy, rồi có các nhà tài trợ đồng hành, có công ty tài trợ vé máy bay khi đi thi đấu chẳng hạn. Ở bên nước ngoài, mình thấy họ làm như thế rất nhiều, kể cả bên Thái Lan, có rất nhiều doanh nghiệp đồng hành với thể thao. Họ làm tất nhiên là vì danh tiếng, với mục đích quảng bá hình ảnh, nhưng họ cũng luôn suy nghĩ cho lợi ích chung của thể thao. Vì vậy, mình nghĩ rằng nếu Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp có thể đồng hành cùng nhau để xây dựng một hệ thống giải đấu, đào tạo ra các VĐV trẻ và tính toán câu chuyện đường dài khoảng 20 năm thì quần vợt Việt Nam sẽ phát triển hơn. 

BTV Thùy Dung: Tôi từng là người khó gần khi chơi tennis, phải học cách mở lòng và nói lời yêu thương

Trước đây, Thùy Dung từng chia sẻ có dự định mở học viện quần vợt ở Việt Nam. Liệu dự định này có còn không?

Đối với dự định này, nếu một mình mình làm thì rất khó. Trước đó cũng có những người đàn anh đi trước từng làm nhưng ko thể thành công được. Nếu mình muốn duy trì học viện thì phải có nguồn vốn đủ dày đã. Bây giờ số lượng tay vợt đi tập ở các đội tuyển không phải chi trả gì còn ít, thì việc họ phải trả tiền để cho con đi vào một học viện tập luyện chắc chắn sẽ còn ít hơn nữa. Vì vậy, khi nhìn bức tranh tổng thể đó, mình thấy giờ chưa phải thời điểm cho dự định mở học viện. 

Có thể 5 năm hoặc 10 năm nữa, nếu mình tìm được người chung chí hướng, có thể đi đường dài với nhau thì mình chắc chắn sẽ làm, bởi đây là điều mình rất thích. Mình muốn làm gì đó cho quần vợt Việt Nam, muốn nhìn thấy các tay vợt Việt Nam thi đấu ở các giải lớn hơn, có thể là trong các giải mà mình bình luận. Ngay cả khi bình luận giải nào đó có các tay vợt có ba mẹ là người gốc Việt, mình vẫn thấy rất tự hào. 

Là một người đa tài, không ngại thử những điều mới, bạn đã có dự định xa hơn chưa? Trong tương lai, liệu chúng ta có thể được thấy Thùy Dung ở một phiên bản hoàn toàn khác hay không?

Mình thích thử những cái mới để biết giới hạn của bản thân ở đâu. Có thể mình sẽ làm tốt ở các vai trò nhất định như BLV, những gì liên quan đến thể thao hay một chút công việc kinh doanh. Mình sẽ luôn cố gắng làm tốt nhất vai trò của mình đối với những công việc mình yêu thích để thỏa mãn bản thân và đem đến những giá trị nhất định cho mọi người xung quanh. 
Vài ba năm nữa, mình không biết có điều gì mới tự nhiên xuất hiện hay không. Nếu nó đánh thức bản thân mình chẳng hạn, thì mình có thể sẽ thử sức. Tuy nhiên, từ bên trong, mình vẫn sẽ là một Thuỳ Dung đã từng chơi quần vợt, với cá tính mà đến bây giờ chắc chắn không thể trộn lẫn với ai được. Mình vẫn mong bản thân không bao giờ bị hoà tan!

Cảm ơn Thùy Dung đã dành thời gian cùng xosogiadinh.com. Chúc Dung thành công với những dự định sắp tới!
 

Thảo Lê - Ảnh: NVCC
Quang Anh
03.05.2022
Copy link