xosogiadinh.com
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Châu Á Asian Cup

Hàn Quốc trả giá vì chiến thuật mang tên 'Son Heung Min'

Thứ năm, 29/02/2024 22:15 (GMT+7)

Hành trình kỳ diệu của đội tuyển Hàn Quốc tại Asian Cup 2023 cuối cùng đã khép lại, khi Son Heung Min không thể hiện duyên ghi bàn. Hàn Quốc sẽ không thua, nếu như họ không liên tục áp dụng chiến thuật "đội bóng một người" ở những thời khắc khó khăn như thế.

Chiến thuật "Son Heung Min"

Có thể nói, tại Asian Cup năm nay, chiến thuật đội tuyển Hàn Quốc áp dụng là "Son Heung Min". Mọi đường lên bóng của Hàn Quốc đều xoay quanh tiền đạo đội trưởng. Anh phải làm gần như mọi việc, từ phân phối bóng, kiến thiết, đột phá và đương nhiên, cả khâu ghi bàn nữa.

Hàn Quốc trả giá vì chiến thuật mang tên 'Son Heung Min' - Ảnh 1
Son Heung Min là trung tâm mọi đường lên bóng của tuyển Hàn Quốc tại Asian Cup

Sự phụ thuộc vào Son Heung Min của tuyển Hàn Quốc có thể được nhìn thấy qua bảng tỷ số tại Asian Cup. Trận đấu với Bahrain ở vòng bảng là thời khắc duy nhất Hàn Quốc giành chiến thắng, mà Son không góp dấu giày vào bất cứ bàn thắng nào. Trong những trận còn lại, Son đều phải "gánh đội".

Khi Hàn Quốc lần đầu gặp Jordan từ vòng bảng, Son Heung Min chính là người đem về quả phạt đền và thực hiện thành công. Đến trận đấu với Malaysia, Son một lần nữa lập công trên chấm 11m. Anh cũng được tín nhiệm trở thành cầu thủ đầu tiên đá luân lưu trước Saudi Arabia.

Nếu Son Heung Min không xuất hiện và liên tục giải cứu, Hàn Quốc có lẽ đã dừng bước từ sớm. Trong trận thắng 2-1 của Hàn Quốc trước Australia, khi mọi hy vọng tưởng chừng chấm dứt, Son Heung Min mang về một quả phạt đền. Đến hiệp phụ, anh trực tiếp lập công để hoàn tất cuộc lội ngược dòng.

Cái cách Son Heung Min gồng gánh cả đội có phần giống với Ronaldo ở mùa giải 1996/97. Ngay trong mùa bóng đầu tiên (và duy nhất) khoác áo Barcelona, "người ngoài hành tinh" đã khiến tất cả kinh ngạc với hiệu suất ghi bàn khủng khiếp. Năm ấy, anh ghi 47 bàn trong 49 trận.

Hàn Quốc trả giá vì chiến thuật mang tên 'Son Heung Min' - Ảnh 2
Khi Son im tiếng, Hàn Quốc lập tức bế tắc

Đáng chú ý hơn, không ít bàn thắng của Ronaldo ở mùa giải năm ấy đến từ những pha độc diễn. Anh có thể nhận bóng từ giữa sân, sau đó đi bóng vượt qua mọi cầu thủ đội bạn và ghi bàn. Sự xuất sắc của Ronaldo giúp Barca năm đó vô địch Cúp Nhà vua, vô địch Cúp C3 và Siêu Cúp Tây Ban Nha. Họ chỉ xếp sau Real ở La Liga với 2 điểm ít hơn.

Chứng kiến phong độ khủng khiếp của Ronaldo khi ấy, HLV trưởng Barcelona, Sir Bobby Robson từng nói một câu để đời: "Chiến thuật của tôi là Ronaldo". Nói cách khác, mọi cầu thủ Barca khi ấy có một nhiệm vụ: Đưa bóng cho Ronaldo và chứng kiến anh tìm cách ghi bàn.

27 năm đã trôi qua kể từ ngày Robson và Barca áp dụng "chiến thuật Ronaldo", Hàn Quốc lại cho thấy "chiến thuật Son Heung Min" khi tham dự Asian Cup. Điều đáng tiếc là Son không phải người ngoài hành tinh. Và trong một giải đấu cúp, khi Son đột nhiên im lặng, Hàn Quốc đã dừng bước.

Vết nứt trên viên kim cương

Trong mùa giải thần thánh cùng Barcelona, Ronaldo có số lần lập công nhiều hơn 3 chân sút xếp sau anh trong đội: Luis Enrique (18 bàn), Pizzi (16 bàn) và Giovanni (12 bàn). Họ đều là những cầu thủ tấn công xuất chúng, nhưng không ai có thể so sánh với Ronaldo. Đó cũng là lúc Barca dần cho thấy điểm yếu, khi họ quá phụ thuộc vào phong độ 1 cầu thủ.

Hàn Quốc trả giá vì chiến thuật mang tên 'Son Heung Min' - Ảnh 3
Hàn Quốc phụ thuộc quá nhiều vào đội trưởng của họ

Ngày 1/6/1997, Barca bước vào trận đấu thuộc vòng 40 La Liga gặp Hercules. Ở thời điểm ấy, La Liga còn có 22 đội tham dự với 42 vòng đấu. Barca sẽ vươn lên soán ngôi của Real nếu họ thắng Hercules. Nhưng trong một ngày Ronaldo không thi đấu vì chấn thương, Barca để thua ngược 1-2.

Việc Ronaldo vắng mặt trong thời điểm quyết định còn để lộ một điểm yếu khác của Barca. Sir Bobby Robson có một sự nghiệp huấn luyện lẫy lừng, nhưng ông không phải bậc thầy chiến thuật. Đó là điều được nhiều cầu thủ Barca sau này thừa nhận, khi so sánh ông với những HLV khác.

Hristo Stoichkov, người đá cặp với Ronaldo trên hàng công, từng nói: "Robson không phải người đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về chiến thuật. Ông ấy hoàn toàn khác xa một bậc thầy chiến thuật như Johan Cruyff". Trên thực tế, rất nhiều cầu thủ Barca thời điểm đó nhận thấy, trợ lý ngôn ngữ Jose Mourinho mới là người có nhận thức chiến thuật sâu sắc hơn.

Bản thân Robson sau mùa giải 96/97 đó cũng rời Barca giống Ronaldo. HLV này hiểu hơn ai hết, ông không thể duy trì thành công khi cầu thủ được xem như trung tâm của đội bóng không còn nữa. Bản thân Robson cũng tin tưởng Ronaldo tới mức để anh một mình đá cắm trên hàng công.

Hàn Quốc trả giá vì chiến thuật mang tên 'Son Heung Min' - Ảnh 4
Son Heung Min không phải siêu nhân, và anh vẫn có lúc tịt ngòi

Cách Robson dùng Ronaldo rất giống Klinsmann dùng Son Heung Min. Họ phụ thuộc quá nhiều vào một cầu thủ tấn công, và không biết làm cách nào để giải quyết tình huống khi anh ta không thi đấu, hoặc chơi với phong độ thấp hơn thường lề. Đây cũng là lúc đội hình Hàn Quốc sụp đổ trước Jordan.

Ở trận bán kết Asian Cup, Hàn Quốc không chỉ thua Jordan về mặt tỷ số 0-2. Họ cũng có ít cơ hội ăn bàn hơn đối phương, và thậm chí không có cú sút nào trúng đích. Ấn tượng hiếm hoi của Hàn Quốc chỉ đến từ một bàn thắng bị thổi phạt việt vị, với người dứt điểm chính là Son Heung Min.

Klinsmann xứng danh tội đồ

Son Heung Min được xem như cầu thủ châu Á hiếm hoi, thậm chí có thể là duy nhất, đã vươn đến "đẳng cấp thế giới". Anh được trao băng đội trưởng tại một đội bóng hàng đầu châu Âu, và trở thành Vua phá lưới Ngoại hạng Anh. Nhưng một mình Son Heung Min không thể liên tục gồng gánh cả đội như Asian Cup vừa qua. Anh không phải người có lỗi.

Nếu phải tìm một người xứng đáng chịu trách nhiệm ở tuyển Hàn Quốc lúc này, đó chắc chắn là Jurgen Klinsmann. Ngay từ giai đoạn vòng bảng, HLV này đã không cho thấy dấu ấn chiến thuật rõ ràng nào. Hàn Quốc của Klinsmann thi đấu rời rạc. Họ phòng ngự thiếu chắc chắn, tấn công cũng không nhạy bén, và phụ thuộc quá nhiều vào cá nhân Son Heung Min.

Hàn Quốc trả giá vì chiến thuật mang tên 'Son Heung Min' - Ảnh 5
Klinsmann gây phản cảm vì cách làm bóng đá quan liêu

Trên thực tế, quyết định bổ nhiệm Klinsmann làm HLV trưởng đã khiến Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc hứng chịu không ít chỉ trích suốt thời gian qua. Không lâu sau khi nhậm chức, Klinsmann gây chú ý bằng việc tự ý yêu cầu làm việc từ xa. Ông không đến Hàn Quốc trực tiếp chỉ đạo, mà khăng khăng đòi được ở lại châu Âu và ra chỉ thị cho toàn đội.

"Tầm vóc một HLV được người đó thể hiện trong sự khác biệt của đội bóng khi ông ấy không xuất hiện", Sir Alex Ferguson đã nói vậy trong tự truyện. Ông chia sẻ, bản thân ông chỉ nhận ra điều đó khi có việc phải đột xuất vắng mặt trong một buổi tập. Các cầu thủ lập tức phàn nàn chất lượng các bài tập không còn được như khi HLV trưởng xuất hiện.

Nếu xét về mặt thành tích và tầm ảnh hưởng lên giới HLV bóng đá, Klinsmann còn thua kém Sir Alex rất nhiều. Nhưng bằng một lý do nào đó, vị HLV người Đức này liên tục tự cho mình những đặc quyền có một không hai. Ông thậm chí còn nói đùa, nếu LĐBĐ Hàn Quốc muốn ông lên văn phòng làm việc thường xuyên, họ cần mở chi nhánh tại Đức.

Thái độ bất bình thường với công việc tại đội tuyển Hàn Quốc của Klinsmann là nguyên nhân trực tiếp khiến ông thất bại. Hàn Quốc không chỉ có Son Heung Min là ngôi sao. Họ còn có Kim Min Jae, Hwang Hee Chan, Lee Kang In và nhiều cầu thủ xuất sắc khác. Nhưng tất cả đều thi đấu dưới sức, khi Klinsmann không tập trung 100% cho công việc.

Hàn Quốc trả giá vì chiến thuật mang tên 'Son Heung Min' - Ảnh 6
Dấu ấn chiến thuật của Klinsmann không rõ ràng

Bên cạnh thái độ tiêu cực, Klinsmann cũng không phải mẫu HLV xuất sắc và còn ở thời kỳ đỉnh cao khi nhận lời dẫn Hàn Quốc. Ông đã thất nghiệp trong 3 năm, và quãng thời gian làm việc trước đó cũng chẳng mấy yên ả. Giai đoạn 2015 - 2016 thực sự đáng quên với Klinsmann, khi ông liên tục lập những kỷ lục đáng xấu hổ cùng đội tuyển Mỹ.

Năm 2015, Mỹ dự Cúp vàng CONCACAF với tư cách đương kim vô địch. Trước đó, họ có 5 lần liên tiếp lọt vào chung kết, và thắng 3 trong số đó. Klinsmann đã "giúp" Mỹ đứt mạch thành tích đó, khi để thua Jamaica tại trận bán kết. Đến trận tranh giải ba, Mỹ tiếp tục để thua Panama.

Đội hình đội tuyển Mỹ năm ấy của Klinsmann cũng gây chú ý khi ông ưu ái nhiều cầu thủ gốc Đức. Ở chiều ngược lại, Klinsmann cố tình bỏ qua, hoặc giới hạn cơ hội lên tuyển thi đấu của Lee Nguyễn, tiền vệ gốc Việt đang thi đấu bùng nổ tại MLS khi đó. Ông chống chế thất bại ở Cúp vàng CONCACAF 2015 chỉ là tai nạn, cho đến khi "lộ nguyên hình".

1 năm sau kỳ Cúp vàng CONCACAF đáng xấu hổ, Klinsmann "giúp" bóng đá Mỹ thiết lập một kỷ lục buồn khác. Lần này, ông mở đầu vòng loại World Cup bằng 2 thất bại. Mỹ để thua Mexico 1-2, sau đó bị Costa Rica vùi dập 4-0. Sau trận thua muối mặt đó, Klinsmann bị sa thải, còn Mỹ rất cố gắng nhưng cuối cùng để vuột mất tấm vé dự World Cup.

Hàn Quốc trả giá vì chiến thuật mang tên 'Son Heung Min' - Ảnh 8
HLV người Đức phải trả giá bằng việc bị sa thải

Trước và sau khi làm HLV trưởng đội tuyển Mỹ, Klinsmann dẫn 2 đội ở Bundesliga là Bayern Munich và Hertha Berlin. Mùa giải cùng Bayern của Klinsmann là thảm họa. 2 tuần trước khi mất việc, Bayern thua Wolfsburg (đội sau đó lên ngôi vô địch) với tỷ số 1-5. Trận thua Schalke 0-1 trở thành dấu chấm hết với Klinsmann năm ấy.

Đội trưởng Bayern Phillip Lahm từng thẳng thắn nhận xét về Klinsmann trong cuốn tự truyện của mình: Một HLV thất bại, không có hướng dẫn chiến thuật cụ thể cho cầu thủ trước trận đấu. Đó cũng là điều Klinsmann thực hiện sau đó ở Hertha Berlin mùa giải 2019/20. Ông chỉ tại vị 10 tuần, và thông báo nghỉ việc qua trang Facebook cá nhân.

Bóng đá Hàn Quốc đã chứng kiến nhiều bước tiến lớn trong thời gian qua. Son Heung Min đã trở thành thỏi nam châm thu hút không ít cô cậu bé theo đuổi trái bóng tròn. Nhưng sự tồn tại của một HLV như Klinsmann có thể khiến tất cả trở thành đống gạch vụn. Vì thế, Klinsmann bị sa thải là điều không bất ngờ.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá