ixosogiadinh.com - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Esports Liên minh huyền thoại

EGO: Cuộc hành trình từ 'đệ tử của SofM' đến người đi rừng số 1 VCS

Thứ bảy, 04/12/2021 09:55 (GMT+7)

Trong bài viết mới đăng tải trên VCS English, ký giả Propaganda Panda khẳng định rằng tuyển thủ đi rừng Nguyễn "EGO" Khánh Hòa đã cho thấy khả năng thích nghi nhanh chóng và gặt hái được nhiều thành công ngay từ mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên.

Chủ Đề: VCS mùa Đông 2021

Giống như quá trình hình thành của con người, không tuyển thủ LMHT nào hoàn hảo ngay từ đầu. Ngay cả ở thời đại này, mỗi người đều phải trải qua quá trình khổ luyện để biến những kỹ năng của mình trở thành sức mạnh bẩm sinh. Có lẽ, không một giải đấu nào giao tranh nhiều như VCS. Lối chơi ấy được thể hiện qua nhiều năm và dần trở thành bản sắc của LMHT Việt Nam.

Và chính ở đấu trường khắc nghiệt cũng như hỗn loạn ấy, những tuyển thủ sở hữu kỹ năng tuyệt vời đã ra đời. Các ngôi sao đi rừng bắt đầu xuất hiện rồi trở thành huyền thoại, như Lê “SofM” Quang Duy và Đỗ “Levi” Duy Khánh. Tuy nhiên, họ có điểm chung là gác lại lối chơi điên cuồng để thêm vào sự bình tĩnh, sự lý trí trong phong cách thi đấu.

EGO: Câu chuyện từ chàng tân binh đến MVP của VCS - Ảnh 1
EGO đã "nổi như cồn" ở mùa giài 2020 nhờ phong độ thăng hoa. 

Dù vậy, để đạt đến trình độ thượng thừa không phải là quá trình một sớm một chiều với SofM lẫn Levi. Ở đó, SofM phải vật lộn nhiều năm tại Việt Nam để trở thành tuyển thủ hàng đầu ở LPL. Còn ban đầu Levi chỉ là đường giữa hạng trung, sau đó trau dồi bản thân để trở thành ngôi sao đi rừng số một VCS, đồng thời có được màn trình diễn đỉnh cao tại MSI và CKTG 2017.

Levi vẫn ngự trị trên đỉnh cao. Câu hỏi về người đi rừng số một tiếp theo của LMHT Việt Nam vẫn chưa có đáp án, mãi cho đến năm 2020. Một kẻ thách thức đến từ hư không xuất hiện. Không giống như những tân binh thông thường, tuyển thủ này chỉ cần vài tuần để vượt qua những khó khăn, thích nghi với lối chơi của toàn đội để tỏa sáng trong Summoner’s Rift.

Đa số các tuyển thủ khi mới tham dự VCS đều bùng nổ ở giai đoạn đầu, sau đó dần bộc lộ những hạn chế và mắc nhiều sai lầm hơn, nhưng EGO thì không. Cùng với Team Flash, EGO đã vươn mình thành người đi rừng số một ở mùa giải 2020 và giành luôn danh hiệu MVP giải đấu. Đó mới chỉ là mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của tuyển thủ 19 tuổi.

“Style of Jesh” - thần đồng của VCS

Trước khi mọi thứ bắt đầu tươi sáng hơn với sự nghiệp của EGO, tất cả chỉ có Nguyễn Khánh Hòa, sinh ngày 18/10/2002. Và trước EGO, có Jesh. Tháng 2/2020, EGO được Team Flash chiêu mộ sau khoảng thời gian khoác áo đội trẻ của Buffalo. Những trường hợp như vậy không phải hiếm tại VCS. Tuy nhiên, để một tuyển thủ vươn cao, đó là điều hy hữu.

Team Flash không mời Jesh về để gia nhập đội học viện hay đóng vai trò là một thực tập sinh. Jesh được trao cho hợp đồng chính thức. Điều đó cho thấy, Jesh không chỉ là thành viên của đội một mà còn nằm trong kế hoạch dài hạn của Team Flash. Trong bài trả lời phỏng vấn với VCS English, Giám đốc điều hành Terence Ting của Team Flash cũng tiết lộ về bản hợp đồng này.

“Chúng tôi chỉ mang về một số tuyển thủ trẻ, chẳng hạn như trường hợp của Jesh. Cậu ấy có rất nhiều tiềm năng về lâu về dài. Lúc này, Jesh chưa hoàn toàn sẵn sàng cho một sân khấu lớn như VCS. Dù vậy, sau các trận đấu, Jesh đã tập luyện rất nhiều cùng toàn đội. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc thúc đẩy sự phát triển của các tài năng trẻ”.

Hình mẫu của Jesh không ai khác là SofM. Vẫn còn quá sớm để so sánh giữa 2 tuyển thủ, tuy nhiên Jesh đã cho thấy mình có tiềm năng rất lớn khi leo lên bậc Thách Đấu của máy chủ Hàn Quốc. Sự thần tượng đến mê hoặc của Jesh dành cho SofM được thể hiện ở tên tài khoản cá nhân “SofM9fans”. Tuy nhiên, sự thay đổi đã đến ngay sau đó.

Cái tên Jesh và SofM9fans cũng không còn nữa, mà thay vào đó là “10K EGO”. Đó là tín hiệu cho thấy tuyển thủ sinh năm 2002 đã vượt qua giai đoạn thử việc và hướng đến một mục tiêu khác xa hơn đó chính là đấu trường VCS đầy khắc nghiệt.

Vạn sự khởi đầu nan

Bước đầu tiên đã xong, tuy nhiên khó khăn vẫn đang chờ khi cái tên mà EGO phải cạnh tranh là Yijin. Trước đó, Yijin đã là ngôi sao đi rừng của VCS và từng gây tiếng vang ở đấu trường quốc tế khi tham dự MSI 2018 cùng EVS. Ngay cả những người hâm mộ lạc quan nhất cũng đặt kỳ vọng rất thấp nơi EGO, đồng thời không thấy được nhiều cơ hội để EGO được thi đấu thường xuyên.

Trước khi giải mùa Hè 2020 bắt đầu, Riot Games đã tổ chức giải đấu Mid-Season Showdown thay thế cho MSI bị hủy vì đại dịch Covid-19. Khi ấy, Team Flash tham dự để đối đầu với các đội của PCS. EGO được tin tưởng nhưng phải ngồi dự bị sau màn trình diễn đáng quên.

EGO: Câu chuyện từ chàng tân binh đến MVP của VCS - Ảnh 2
Tuyển thủ sinh năm 2002 vẫn chơi ấn tượng dù thi đấu cạnh các đàn anh giàu kinh nghiệm. 

Tuy nhiên, Team Flash sau đó bất ngờ sa sút và nhận thất bại trước Talon Esports trong trận chung kết. Và không ai khác, Yijin chính là cái tên chơi tệ nhất với KDA khủng khiếp 0/10/6 ở ván 3. Khi Yijin không thể tiếp tục thi đấu trước sức ép quá lớn và tâm lý đè nặng, thời cơ lý tưởng để EGO góp mặt và để lại dấu ấn đã đến.

Và Team Flash có ngược dòng được không? Câu trả lời là không, khi họ để thua 1-3. Việc để tân binh tham gia cọ xát với các đội hàng đầu PCS trông có vẻ kỳ lạ. Tuy nhiên, Team Flash đã dồn toàn bộ tâm huyết tại giải đấu này để tiến hành thử nghiệm đội hình. Sau chức vô địch mùa Xuân, Team Flash được chờ đợi sẽ lên ngôi ở VCS mùa Hè, qua đó tham dự CKTG với điểm nhấn là những lần kêu gọi giao tranh ấn tượng của Palette.

Trên lý thuyết, đó là kịch bản rất tuyệt vời. Tuy nhiên, Team Flash đã khởi đầu tuần đầu tiên tại VCS bằng 2 trận thua. Trong cả 2 trận thua ấy, EGO đều được đưa vào thi đấu trong ván 2 để giúp Team Flash cứu vãn tình thế. Dù vậy, một mình EGO là chưa đủ. Chuỗi trận thua của tuyển thủ sinh năm 2002 cùng đội tuyển mới lại kéo dài thêm.

Bước ra ánh sáng

Gã khổng lồ Team Flash nhận được rất nhiều sự kỳ vọng. Lối chơi của Team Flash chủ yếu xoay quanh bộ đôi đường dưới, nơi xạ thủ Slayder luôn được đánh giá là tay súng hàng đầu tại VCS. Ở đường giữa, Kati tỏ ra ổn định và có thể sử dụng nhiều vị tướng khác nhau. Và ở khu vực đường trên, Team Flash sở hữu cả Yoshino lẫn Stark.

Cách vận hành của Team Flash được kết nối bằng sự linh hoạt của Yijin. Trong trận chung kết giải mùa Xuân, Team Flash tỏ ra vượt trội hơn GAM Esports nhờ khả năng giao tranh tổng xuất sắc. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Palette vô hình chung kìm hãm khả năng của Slayder. Bởi lẽ, Slayder lẫn Palette sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm ra được sức mạnh tổng hợp.

Ngay cả khi vấn đề được khắc phục, sự thiếu ổn định của Slayder cũng có thể gây ra không ít rắc rối cho Team Flash về lâu dài. Sau chuỗi trận đáng quên, Team Flash trở lại với 9 chiến thắng liên tiếp và toàn bộ các thành viên gần như đã lấy lại phong độ, trừ Yijin. Cựu tuyển thủ EVS không thi đấu 1 trận nào sau tuần 1 và mất tích kể từ đó.

Thay vào đó, EGO - tân binh 17 tuổi với vỏn vẹn 4 trận thi đấu chính thức trong sự nghiệp được đặt niềm tin. Ban đầu, EGO có phần cá nhân khi lựa chọn những vị tướng dễ bốc hơi như Lee Sin hay Graves. Tuy nhiên, EGO đã thất bại với những vị tướng ấy. Theo đó, Team Flash đã ngay lập tức thay đổi phong cách cấm chọn của mình.

Một trong những thay đổi là việc EGO sử dụng nhiều vị tướng mang thiên hướng đa dụng hơn. Nhờ các vị tướng chống chịu và có khả năng can thiệp tốt như Trundle, Volibear hay Sett, EGO không chỉ giảm thiểu những pha nằm xuống dễ dàng mà còn đóng góp nhiều hơn vào lối chơi chung. Tất nhiên, không thể không kể đến Nidalee đã làm nên thương hiệu của EGO.

Theo thống kê, Team Flash không phải là những kẻ khát máu chèn ép đối thủ ngay từ giai đoạn đầu. Tỷ lệ dẫn trước lượng vàng ở phút 15 của Team Flash chỉ đứng thứ 4 tại VCS. Thay vào đó, Team Flash ưu tiên cho đường dưới và chờ đợi xạ thủ lên tiếng với các lựa chọn như Kai’Sa hay Aphelios. Đến lúc này, EGO đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Vai trò của EGO là giúp cho việc chuyển giao giai đoạn ở các ván đấu của Team Flash được suôn sẻ, qua đó đảm bảo cho đường dưới có được thời gian tăng tiến sức mạnh. Từ đó, Team Flash sẽ hướng tới chiến thắng bằng khả năng giao tranh tổng vượt trội. Đó là sự khác bộ của EGO, bởi lẽ anh đã đóng góp vào tổng thể nhiều hơn là lạm dụng những pha xử lý cá nhân.

Cuối cùng, Team Flash kết thúc hành trình của mình với thành tích 11-3 vô cùng ấn tượng. EGO chấp nhận lùi lại một bước để hy sinh cho các đồng đội thể hiện. Tuy nhiên, không vì thế mà khả năng xâm lăng lẫn hỗ trợ của EGO bị bào mòn. Tỷ lệ tham gia vào chiến công đầu của EGO lên tới 46,9% và biến tuyển thủ sinh năm 2002 thành một cỗ máy thực sự tại VCS. 

EGO: Câu chuyện từ chàng tân binh đến MVP của VCS - Ảnh 3
Thông số vượt trội của EGO ở VCS mùa Hè 2020.

Ai đó từng nói rằng, đừng giao tranh với một tuyển thủ Việt Nam trong rừng. Điều đó khá đúng ở một giải đấu như VCS. Nhưng dù cho đó là sự điên loạn như DNK, tinh quái của Sorn hay đáng tin cậy như Xuhao, EGO vẫn vươn lên để trở thành cái tên xuất sắc bậc nhất bên cạnh Levi. Dù không hào nhoáng như Levi, song đóng góp của EGO là không thể phủ nhận.

Khoảng thời gian sau đó, EGO sử dụng các vị tướng đa dụng để ngăn cản đối thủ ở các đường đơn nếu họ quá mạnh. Vì thế, Trundle nổi lên như một vị tướng ưa thích của EGO. Có bộ kỹ năng tay đôi mạnh mẽ nhưng dọn rừng khá chậm, EGO chọn cách “ăn thịt” với Trundle. Cuối cùng, lối chơi ấy đã hiệu quả khi EGO thường xuyên có những pha phối hợp với đường giữa Kati.

Ngược lại, vị tướng được EGO dùng nhiều nhất là Nidalee. Cầm Nidalee, EGO hướng tới những pha giao tranh 2 vs 2 hoặc 3 vs 3, cùng sự xuất hiện của Palette. Một trong những vị tướng kết hợp ấn tượng với Nidalee chính là Pantheon. Bộ đôi siêu khủng này đã giúp Team Flash tăng thêm 2,3 tỷ lệ dẫn trước về lượng vàng ở phút 15.

Nhưng thành công ở vòng bảng chưa phải là thành tích đáng kể. Với một đội tuyển tham vọng như Team Flash, việc hướng tới các trận đấu play-off là điều bắt buộc. Meta chuyển dịch rõ rệt khi các vị tướng “carry” lên ngôi và Team Flash cũng thay đổi theo. Ở trận play-off đầu tiên, Team Flash thắng Team Secret 3-1 nhưng không mấy thuyết phục vì lối chơi có phần hỗn loạn.

Ở đó, EGO không tạo ra quá nhiều dấu ấn với Graves và Nidalee. Tuy nhiên, Team Flash thực sự có được chiến thắng quan trọng nhờ những pha ném đi lợi thế theo đúng kiểu VCS của Team Secret. Ở trận đấu tiếp theo, Team Flash gặp GAM Esports. Cuộc chiến này không quyết định ngôi vương VCS nhưng sẽ quyết định ai là đội đầu tiên giành vé đến với CKTG.

Trước Levi, EGO từng bị hủy diệt trong ván 2 khi Lee Sin trong tay Levi sở hữu KDA 12/0/5 ấn tượng. Không còn cách nào khác, Team Flash buộc phải thay đổi các ưu tiên cấm chọn. Và cuối cùng, Lillia lại trở thành cứu tinh của Team Flash. EGO lần đầu sử dụng Lillia, khiến đối thủ ngủ ở mọi tình huống quan trọng và sau đó là… xám màn hình.

KDA 7/3/13 khi cầm Lillia đã đưa EGO và Team Flash tiến vào ván 4. Nhưng sau tất cả, EGO không phải là người mang về chiến thắng cho Team Flash, đó lại là Yoshino. Tuy nhiên, công của EGO cũng không nhỏ với Trundle và Team Flash thực hiện chiến thuật “lăn cầu tuyết” ở đường trên. Để rồi sau tất cả, Team Flash đã hạ gục được GAM Esports.

Team Flash một lần nữa tái ngộ GAM Esports, khi Levi cùng các đồng đội dễ dàng vượt qua nhánh thua. EGO từng mang ra Lillia trong ván 1 và nhấn chìm GAM Esports trước khi Team Flash bị gỡ hòa. Tuy nhiên, thả Lillia cho EGO thêm một lần nữa là sai lầm của GAM Esports và suýt nữa bị dẫn 0-2.

Những cơ sở ấy dẫn đến việc GAM Esports phải cấm Lillia trong toàn bộ các ván đấu còn lại của loạt Bo5. Một lần nữa, 2 gã khổng lồ của VCS phải nhờ đến ván 5 để phân định đoạt thắng thua. Nằm bên phía đội đỏ, Team Flash để EGO chọn Trundle cuối cùng và bạn biết điều gì sẽ xảy ra. Một kịch bản hoàn hảo đã mở ra sau đó cho EGO khi anh thâu tóm mọi danh hiệu mà các ngôi sao đi rừng đều ao ước.

EGO: Câu chuyện từ chàng tân binh đến MVP của VCS - Ảnh 4
Cerberus Esports là điểm đến lý tưởng cho EGO. 

EGO có vé đi CKTG, EGO vô địch VCS và EGO là MVP của trận chung kết tổng. Ở một thế giới hoàn hảo hơn, Team Flash sẽ có mặt tại Trung Quốc để tham dự CKTG và trình diễn trước cộng đồng LMHT quốc tế. Sau đó, Team Flash đã không thể góp mặt vì lý do dịch bệnh. Cuối cùng, lựa chọn của EGO là gia nhập một đội tuyển khác trả mức lương cao ngang với giá trị thực của mình. 

Cerberus Esports trước đó chỉ là đội hạng khá nhưng đã cam kết sẽ xây dựng đội hình để hướng tới chức vô địch. Mọi thứ sau đó đã tồi tệ hơn cho EGO khi anh bỏ lỡ gần như toàn bộ giải mùa Xuân 2021 vì lý do sức khỏe. Sau đó là một giai đoạn trì hoãn khác của VCS do dịch bệnh. Song, sau tất cả, VCS mùa Đông 2021 lúc này là sân khấu để EGO tỏa sáng để một lần nữa chứng tỏ bản thân và bước lên ngôi vô địch.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá