xosogiadinh.com
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Cầu lông Tin cầu lông

Di sản cầu lông đồ sộ của Tiến Minh

Thứ sáu, 13/09/2024 14:17 (GMT+7)

Trong những ngày qua, câu chuyện tay vợt Nguyễn Tiến Minh vẫn thi đấu quốc tế ở tuổi 41 đã trở thành tâm điểm chú ý của người hâm mộ cầu lông Việt Nam. Đằng sau câu chuyện thi đấu ở tuổi tứ tuần, di sản Tiến Minh để lại thực sự là một kho tàng đáng nể, và sẽ tồn tại trong nhiều năm nữa.

Việc Tiến Minh nhận vé tham dự Việt Nam Mở rộng 2024 là điều bất ngờ. Trước đó, anh nằm khá sâu trong danh sách các tay vợt dự bị. Đúng 1 ngày trước thời điểm giải chính thức bắt đầu, Tiến Minh mới biết mình được đôn lên thi đấu vòng loại, và anh đã đạt kết quả ngoài kỳ vọng.

Di sản cầu lông đồ sộ của Tiến Minh - Ảnh 5
Tiến Minh vẫn bền bỉ thi đấu ở tuổi 41 - Ảnh BWF

Nhân dịp Tiến Minh trở lại Việt Nam Mở rộng 2024, có khá nhiều người bình luận về chuyện "tài năng trẻ 41 tuổi" vẫn tham gia thi đấu. Có một số ý kiến chung, mình sẽ tổng hợp lại và giải đáp luôn. Bài viết dưới đây chủ yếu mang thông tin tham khảo, dựa trên nhiều tài liệu thu thập được.

Vì sao Tiến Minh vẫn thi đấu ở tuổi 41?

Tại các giải quốc tế, tiêu chuẩn tham dự của VĐV dựa trên vị trí ở bảng xếp hạng thế giới. Mới đây tại Hongkong Mở rộng, có một tay vợt 70 tuổi vẫn đăng ký tham gia và tranh tài ở vòng loại. Tại sao "cụ" Webster 70 tuổi vẫn thi đấu, trong khi "chú" Tiến Minh lại không thể?

Về phía các giải cầu lông trong nước: Việc lựa chọn VĐV tham gia thi đấu phụ thuộc vào đề xuất từ Bộ môn cầu lông thuộc các địa phương. Đề xuất này sau đó được Trung tâm Huấn luyện và thi đấu của các tỉnh, thành, ngành xét duyệt. Tiến Minh có phong độ tốt, đảm bảo đạt huy chương quốc gia, nên anh vẫn được chọn đi thi đấu.

Tiến Minh có thể đảm bảo thành tích tại các giải trong nước và quốc tế, là bởi anh luôn duy trì tập luyện đều đặn. Ngay cả vào thời điểm không thi đấu giải, anh Minh, chị Trang và các thành viên đội cầu lông TPHCM luôn duy trì thời khóa biểu tập luyện quy củ, chuẩn chỉnh giờ giấc. Đó chính là bí quyết thành công ở tuổi U50.

Di sản cầu lông đồ sộ của Tiến Minh - Ảnh 1
Vũ Thị Trang luôn đồng hành cùng Tiến Minh và có thể duy trì phong độ khi tuổi đã cao

Tiến Minh có làm HLV không?

Ở các môn thể thao thành tích cao, vận động viên thường kiêm nhiệm vị trí HLV từ khá sớm. Những VĐV lớn có thể hỗ trợ HLV trong việc dạy kỹ thuật, tập luyện cùng các VĐV trẻ, thiếu niên. Đó cũng là một phần trong công việc của Tiến Minh, và đã kéo dài suốt nhiều năm qua.

Nhiều tay vợt như Hải Đăng, Đức Phát có thể tiến bộ được như lúc này là nhờ quãng thời gian tập luyện cùng Tiến Minh. Anh có thể không còn ở phong độ đỉnh cao, nhưng kinh nghiệm thi đấu quốc tế của Tiến Minh đã giúp các đàn em chuẩn bị kỹ càng hơn trong mỗi chuyến xuất ngoại, cũng như chạm trán đối thủ mình chưa bao giờ gặp mặt.

Sau Olympic Tokyo, Tiến Minh từng "điểm tên" một vài tay vợt Việt Nam có tố chất tốt, đủ khả năng lọt vào top 100 thế giới. Đó là Nguyễn Hải Đăng và Lê Đức Phát. Cả hai đã làm được điều này, và Đức Phát mới đây còn giành được vé tham dự Olympic Paris, nối bước Tiến Minh.

Những thông tin kể trên cho thấy Tiến Minh thực sự có tham gia công tác huấn luyện, đồng thời làm tốt việc đó. Ngoài ra, anh còn tham gia huấn luyện, dạy các lớp cầu lông phong trào ở câu lạc bộ. Việc này cũng là một phần trong công tác huấn luyện thể thao thành tích cao, bởi từ các lứa phong trào, HLV có thể tìm ra các VĐV tiềm năng.

Di sản cầu lông đồ sộ của Tiến Minh - Ảnh 4
Tiến Minh có 4 lần tham dự Olympic, 13 lần dự giải vô địch thế giới

Tiến Minh có tham gia giao lưu không?

Câu trả lời là có. Tiến Minh tham gia khá nhiều hoạt động giao lưu. Anh cũng xuất hiện không ít lần tại các tỉnh thành phía Bắc hồi đầu năm nay. Việc gặp gỡ, giao lưu khán giả là một phần tất yếu của VĐV đỉnh cao, và Tiến Minh không ngại làm điều đó, với điều kiện nó không ảnh hưởng đến lịch tập luyện, thi đấu của anh.

Tiến Minh giúp phát triển cầu lông như thế nào?

Trong quá khứ, Việt Nam Mở rộng (tên cũ hình như là Vietnam Satellite, Vietnam GP) từng xuất hiện khá sớm trong hệ thống thi đấu cầu lông quốc tế. Tuy nhiên, sau 2 năm đầu tiên tổ chức (1996, 1997), giải đấu này bị Liên đoàn Cầu lông Thế giới xóa bỏ trong gần 1 thập niên. Phải đến năm 2006, Việt Nam Mở rộng mới xuất hiện trở lại.

Có nhiều nhân tố khiến BWF quyết định mở mới, xóa bỏ, nâng cấp hoặc giáng cấp các giải cầu lông quốc tế. Một trong những nhân tố quyết định việc đó chính là thành tích quốc tế, cũng như số lượng VĐV top đầu thế giới. Tiến Minh chính là VĐV Việt Nam hiếm hoi nằm trong top đầu. Chính anh đã "kéo" các giải quốc tế đến Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam mỗi năm là nơi đón nhận 3 giải cầu lông quốc tế (Open, Challenge, International). Đây là sân chơi tốt giúp các tay vợt Việt Nam thử sức, tranh tài cùng đối thủ quốc tế. Người hâm mộ cũng có dịp theo dõi nhiều VĐV hàng đầu đến tranh tài như Momota, Marin, Ratchanok, Tai Tzu Ying, Son Wan Ho, Naraoka.

Di sản cầu lông đồ sộ của Tiến Minh - Ảnh 3
Tiến Minh chính là người đưa các giải cầu lông quốc tế đến Việt Nam

Ở cấp độ địa phương, Tiến Minh cũng là đầu tàu giúp cầu lông TPHCM phát triển phong trào rộng rãi. Đây là địa phương hiếm hoi có đội cầu lông được ký hợp đồng tài trợ, và có kinh phí thi đấu quốc tế hàng năm. Trong khi đó, phần lớn các địa phương khác chỉ có thể dồn lực trong 1-2 VĐV trọng điểm nhằm hướng đến thành tích cao.

Bản thân Tiến Minh, Vũ Thị Trang đã dần hạn chế thi đấu các giải quốc tế trong 3-4 năm qua. Họ nhường bước cho các đàn em, tạo điều kiện để Hải Đăng, Anh Thư, và nhiều tay vợt khác có thể thi đấu quốc tế nhiều hơn. Họ không hề "chiếm suất", mà ngược lại, còn đồng hành cùng các VĐV trẻ bước theo ước mơ vươn ra thế giới.

Tiến Minh chỉ biết "farm gà"?

Đây chắc chắn là nhận xét buồn cười nhất mà một người có thể nghĩ ra để nhận xét về Tiến Minh. Anh chính là tay vợt Việt Nam đầu tiên có huy chương cá nhân môn cầu lông tại SEA Games. Ở đấu trường ASIAD, Tiến Minh có 2 lần lọt vào tứ kết. Anh chỉ dừng bước khi gặp 2 "quái vật" Lin Dan và Lee Chong Wei.

Tại các giải cấp độ thế giới như World Championship và Olympic, Tiến Minh đang nắm giữ kỷ lục về số lần tham dự. BWF không ít lần vinh danh Tiến Minh về khả năng duy trì phong độ ngay cả khi tuổi đã cao. Anh cũng có 1 lần giành HCĐ giải vô địch thế giới, và chỉ thua Lin Dan trong trận bán kết.

Ở thời điểm Tiến Minh thi đấu quốc tế, BWF không áp dụng hệ thống World Tour như bây giờ. Thay vào đó, họ có hệ thống Super Series (tương đương Super 750-1000 bây giờ), thấp hơn là các giải Grand Prix Gold (tương đương Super 500) và Grand Prix (Super 100, 300).

Di sản cầu lông đồ sộ của Tiến Minh - Ảnh 2
Di sản của Tiến Minh chính là cầu lông Việt Nam

Tiến Minh đã vô địch tới 5 giải GP Gold và 4 giải GP, nên thành tích của anh thực sự không tệ chút nào. Anh cũng có nhiều lần vào sâu ở các giải Super Series (bán kết), từng tham dự Super Series Final. Đây chắc chắn là thành tích mà các tay vợt Việt Nam rất khó vươn đến trong nhiều năm nữa.

Nếu nhìn lại kết quả của những giải Super Series trong quá khứ, người thắng Tiến Minh thường là Lin Dan, Chen Long, Lee Chong Wei, Peter Gade. Trong khi đó, anh từng có lần giành chiến thắng trước Kento Momota, Lee Zii Jia, Jans Jorgensen và nhiều tay vợt hàng đầu khác.

Để khép lại bài viết, ta có thể khẳng định một điều: Tiến Minh là tay vợt có một không hai trong lịch sử cầu lông Việt Nam. Ở thời điểm môn thể thao này mới xuất hiện, Tiến Minh đã đi rất xa so với các đồng nghiệp trên hành trình vươn ra thế giới. Tuy nhiên, thời kỳ đỉnh cao của anh không diễn ra trong kỷ nguyên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ bây giờ có tuổi đời thậm chí còn ít hơn tuổi thi đấu của Tiến Minh. Thật khó để họ hình dung về quy mô, tầm ảnh hưởng đến cầu lông Việt Nam của Tiến Minh trong hơn 2 thập niên qua. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người không nhìn nhận, đánh giá đúng về di sản Tiến Minh để lại cho cầu lông Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá