xosogiadinh.com
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam

1 thập niên từ cuộc 'nổi dậy' của bầu Kiên, bóng đá Việt Nam đi về đâu?

Thứ sáu, 24/09/2021 06:03 (GMT+7)

'Chúng tôi nghỉ thì các anh đá bóng với ai?' Câu hỏi của bầu Kiên dành cho những quan chức bóng đá Việt Nam tại Hội nghị tổng kết V.League 2011 đã mở đầu cho cuộc ly khai cùng một giải đấu mới mang hơi hướng Super League. Mọi vấn đề của bóng đá Việt Nam đều được bầu Kiên phơi bày hôm đó, nhưng đúng 10 năm sau, các ông bầu lại 'nổi dậy' một lần nữa.

Chủ Đề: Thâm cung bóng Việt

26 phút gây sốc

Khi đứng lên phát biểu tại cuộc họp diễn ra vào ngày 8/9/2011, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) thừa nhận vài năm qua ít đi dự họp Liên đoàn. Mọi người nghĩ bầu Kiên sẽ chỉ nói 5-10 phút; nhưng sự thực là hôm ấy ông đã diễn thuyết trong 25 phút với vô vàn câu nói có thể trích dẫn được.

1 thập niên từ cuộc 'nổi dậy' của bầu Kiên, bóng đá Việt Nam đi về đâu? - Ảnh 1

"Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 10 năm nay gần như không sửa đổi để phù hợp với thay đổi từ FIFA và môi trường bóng đá Việt Nam"; "Dự thảo bóng đá chuyên nghiệp không thể đưa 5-10 phút cho mọi người đọc rồi biểu quyết thông qua. Tôi nghĩ đây là tinh thần làm việc không nghiêm túc"; "Phí bản quyền truyền hình chia 50% cho VFF và 50% cho các CLB. Nhưng VFF lại ký hợp đồng độc quyền 20 năm mà không thông qua các CLB"; "Nhiệm kỳ các anh chỉ kéo dài 3, 4 năm mà các anh ký tới 20 năm"...

Nhưng những chỉ trích của bầu Kiên về cách làm việc, cũng như vấn đề bản quyền phát sóng V.League cũng chỉ là phát pháo hiệu mở đầu của bầu Kiên cho một tin động trời hơn: Hòa Phát Hà Nội tuyên bố giải tán đội bóng sau khi mùa giải 2011 kết thúc. Hà Nội ACB và 6 CLB khác đòi bỏ V.League, lập ra một giải đấu mới mang tên Super Liga. Lý do các CLB đồng loạt nổi dậy xuất phát từ sự bức xúc của những doanh nghiệp tài trợ, đầu tư vào bóng đá.

Bầu Kiên không bức xúc về chuyện năm nay Gạch Đồng Tâm xuống hạng, hay Hà Nội ACB của ông xuống hạng. Nếu xuống hạng vì đầu tư chưa tốt, xuống hạng cũng là bình thường. Nhưng ông bất bình khi thấy Hải Phòng trụ lại nhờ được trọng tài bênh một cách thô thiển như ở trận gặp Hòa Phát, Bình Dương, rồi Hà Nội ACB. Những ai có chuyên môn đều có thể nhận ra điểm bất thường, nhưng VFF chỉ đáp lại "không có bằng chứng bắt tận tay nên không thể xử lý.

Ở thời buổi bình minh của V.League, những doanh nhân đầu tư vào bóng đá như bầu Đức, bầu Kiên không thiếu tiền bạc lẫn đam mê. So với họ, bầu Long (Chủ tịch Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát), thậm chí còn đam mê hơn. Theo lời bầu Kiên, Tập đoàn Hòa Phát thời điểm 2010-2011 lãi 2.000 tỷ đồng mỗi năm, và việc họ chi 50-70 tỷ cho bóng đá chỉ là khoản chi phí nhỏ. Nhưng chính vì đam mê với bóng đá mà bầu Long ăn không ngon, ngủ không yên.

1 thập niên từ cuộc 'nổi dậy' của bầu Kiên, bóng đá Việt Nam đi về đâu? - Ảnh 2

Trận gặp Hải Phòng ở lượt về V.League 2011 là lúc nỗi bức xúc với bóng đá Việt Nam của bầu Long lên tới đỉnh điểm. Hòa Phát Hà Nội liên tục bị trọng tài chính đưa ra những quyết định bất lợi, bao gồm cả chiếc thẻ đỏ ở giữa hiệp 2. Ngồi trên khán đài sân Lạch Tray, bầu Long chết lặng. Ông "suýt đột quỵ" (theo lời bầu Kiên) khi BTC giải nói Hòa Phát thua vì chuyên môn kém hơn đối thủ.

Bầu Kiên gay gắt nói: "Gia đình, bạn bè anh Long không cho phép làm đá bóng nữa. Bản thân tôi cũng chịu áp lực rất lớn từ mọi người, liệu có nên tiếp tục làm bóng đá trong môi trường như bây giờ hay không. Chúng tôi nghỉ thì các anh đá bóng với ai? Nếu các anh bảo không cần, ngày mai chúng tôi sẽ nghỉ luôn. Tôi nói thẳng, trọng tài giờ tiêu cực nhiều hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn. Trước trận gặp Long An, có những người đến tiếp xúc với Hòa Phát, nếu cho trọng tài 500 triệu, bảo đảm trận này Hòa Phát sẽ thắng".

Đến đây, những nhà lãnh đạo cao nhất của bóng đá Việt đã run sợ lắm rồi. Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung mặt cúi gằm, tay lăm lăm chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi liên tục. Còn chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, người chỉ đạo vụ ký hợp đồng bản quyền 20 năm, ngồi im như pho tượng trong buổi họp mà đáng ra ông mới là nhân vật chính.

Liệu màn công kích VFF có phải một phút quá giận mất khôn của bầu Kiên? Chúng ta không thể nắm rõ sự thật, chỉ biết chính bầu Kiên đã chủ động cho phép các nhà báo vào tham dự buổi họp tổng kết V.League năm đó. Bản ghi âm 25 phút diễn thuyết của bầu Kiên, cũng như thước phim ghi lại cảnh ông đứng hùng biện ngày hôm đó giờ có thể tìm thấy ngay trên các trang mạng xã hội.

Đổi mới và cái kết không trọn vẹn

Cũng trong bài phát biểu hôm đó, bầu Kiên tuyên bố ông và 5 ông bầu khác muốn thành lập giải đấu mới mang tên Super Liga. Quả thực, giải VĐQG 2012 ban đầu từng mang tên Super League. Nhưng thay đổi lớn nhất của bóng đá Việt Nam sau cuộc "nổi dậy" của bầu Kiên ngày hôm đó không phải một giải đấu mới, mà là việc khai sinh VPF.

Công ty Cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) được thành lập là sự kiện mà cho đến nay vẫn còn tạo sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới thể chế của bóng đá Việt. VPF giành lấy trách nhiệm và quyền hạn tổ chức giải vô địch quốc gia và giải hạng nhất, đặt tên đúng như tuyên bố ban đầu là Super Liga. VFF gần như không có tác động nào tới giải ngoài việc giữ 36% cổ phần của VPF.

1 thập niên từ cuộc 'nổi dậy' của bầu Kiên, bóng đá Việt Nam đi về đâu? - Ảnh 3

VPF được thành lập, Super League được khai sinh cũng là lúc nó phải hoàn thành sứ mệnh của mình lààm trong sạch bóng đá Việt Nam. Quyết định đầu tiên của VPF: Thuê trọng tài ngoại. Quyết định thứ hai: Tuyên bố vô hiệu hợp đồng bản quyền truyền hình. Sau nhiều tháng đấu tranh, họ đã làm được khi AVG chịu nhượng bộ.

Những nhà sáng lập VPF và Super League cơ bản đã đạt được mục đích của mình. Họ can thiệp vào công tác trọng tài, giảm sự ảnh hưởng của VFF và đòi lại quyền lợi cho các CLB. Các ông bầu còn muốn đi xa hơn với ý định thành lập một Hội đồng đạo đức để đánh giá công tác trọng tài, nơi họ có quyền treo còi những ông vua áo đen có biểu hiện tiêu cực mà không cần thông qua điều tra.

Tại sao những người như bầu Kiên lại ám ảnh với công tác trọng tài ở V.League đến mức họ sẵn sàng "tiền trảm hậu tấu"? Không có lý do nào ngoài việc các ông bầu muốn trực tiếp nắm đằng chuôi công tác trọng tài. Chia sẻ về nỗi bức xúc với ông vua sân cỏ, bầu Đức nói: "Chúng tôi đều là chủ doanh nghiệp lớn, cơ ngơi có đến hàng ngàn tỷ, mỗi năm bỏ ra dăm bảy chục tỷ nuôi đội bóng, nhưng đứng trước trọng tài cứ phải khúm núm".

Chỉ tiếc rằng, những tham vọng ấy không tồn tại được lâu. Cái tên Super League chỉ tồn tại được 5 vòng đấu, rồi trở về là V.League dù đã có chút cách điệu. Hội đồng trọng tài trở lại nắm quyền phân công công tác tại các giải đấu, VFF dần có tác động tới việc tổ chức giải. Tới cuối năm, sự kiện bầu Kiên vướng vòng lao lý gần như đã đánh đấu chấm hết cho Super League và lý tưởng của nó.

>>> HLV Phạm Minh Đức: Nhờ bầu Hiển, bầu Đức mới có ĐT Việt Nam ngày hôm nay

Những gì mà bầu Kiên làm được không phải là công cốc. Các CLB đã có tiếng nói hơn trong các buổi họp của VPF, các ông bầu dần nắm những vị trí quan trọng của VFF. Sự phản biện đã có trong những quyết định liên quan tới bóng đá Việt, dù vẫn còn tồn tại lợi ích nhóm và những điều bất công. Nhưng điều đáng tiếc hơn cả là nhiều vấn đề bầu Kiên nêu ra từ 10 năm trước đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.

Thứ nhất, các CLB vẫn phải nộp phí tham dự giải hàng năm. Thứ hai là vấn đề một ông chủ nhiều đội bóng. Bầu Kiên từng thẳng thừng chỉ trích việc VFF làm ngơ chuyện bầu Hiển có liên quan đến Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Đến vài năm gần đây, "liên minh" đó trở thành "5 đánh 1" như nhận xét của bầu Đức.

Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ hết sóng gió. V.League 2021 bị hủy bỏ và song song với nó là những màn ‘tranh luận’ chẳng khác gì một buổi họp chợ. Ai theo dõi bóng đá nội đủ lâu đều hiểu, họ vì cái chung thì ít mà đấu đá nhau là nhiều. Chứng kiến những điều ấy, người ta lại nghĩ về bầu Kiên, về một nền bóng đá công bằng và phát triển đã không thành hiện thực.

Ngoài bầu Kiên, những người từng kề vai sát cánh với ông năm nào giờ có lẽ đã nguội dần ngọn lửa tình yêu với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Một vài CLB ngày đó đứng lên hưởng ứng Super Liga như Ninh Bình, Khánh Hòa, Navibank Sài Gòn đều đã giải thể. Ngay cả Hà Nội ACB (CLB Hà Nội) cũng không còn tồn tại sau khi bầu Kiên vướng vòng lao lý. Chỉ còn Bình Dương và HAGL còn trụ lại ở đấu trường V.League.

Đội bóng "kiểu bầu Kiên"

Một CLB chuyên nghiệp ở Super League như bầu Kiên mong muốn sẽ như thế nào? Câu chuyện về ngày bầu Kiên "nổi dậy" gây hiệu ứng mạnh mẽ tới xã hội đến nỗi được đưa vào chương trình Táo Quân 2012. Nghệ sĩ Tự Long, trong vai một ông bầu bóng đá, đã giới thiệu cầu thủ tới Ngọc Hoàng kèm lời dặn dò: "Tối nay đi chơi thoải mái nhé. Trận đấu ngày mai rất quan trọng, các em nhớ là nhất định phải... thua!".

1 thập niên từ cuộc 'nổi dậy' của bầu Kiên, bóng đá Việt Nam đi về đâu? - Ảnh 4

Màn diễn châm biếm bầu Kiên của Tự Long không hề nói quá về tình trạng "chuyên nghiệp" ở Hà Nội ACB, đội bóng do chính bầu Kiên điều hành, quản lý. Trong cuốn tự truyện Phút 89, tiền đạo Lê Công Vinh đã kể về 1 năm dở khóc dở cười tại CLB này bằng lời mở đầu: "Nếu như không có ông bầu nào tốt như bầu Kiên, thì cũng không có đội bóng nào buồn cười như Hà Nội ACB. Bầu Kiên thương cầu thủ, nhưng vì thương cầu thủ nên đâm ra vô cùng dễ dãi".

Chuyện sinh hoạt theo kỷ luật, giờ giấc là điều không có ở CLB Hà Nội ACB. Không ai kiểm tra, và cũng không ai giám sát các cầu thủ. Họ được tự do hành động, cả ngoài đời lẫn trên sân tập. Mọi thứ không hề khá hơn khi HLV Nguyễn Thành Vinh đến với CLB. Ở Hà Nội ACB, cầu thủ có thể tự ý rời sân tập mà không bị HLV quở trách. Ai thích tập thì tập, thích nghỉ thì... nghỉ.

Một trong những cầu thủ gây rắc rối nhiều nhất cho Hà Nội ACB thời điểm ấy là tiền đạo Timothy. Đầu quân cho CLB với một bản hợp đồng lớn, lại được coi như chân sút chủ lực của toàn đội, anh tự cho mình là ngôi sao. Nếu Timothy không thích cầu thủ nào, anh sẽ lại gần gây sự, thậm chí không ngại dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Công Vinh, Xuân Thành, và cả Thành Lương là những người đã bị Timothy đánh.

Mọi thứ vẫn diễn ra như thế, chỉ có điều theo chiều hướng tệ hơn khi HLV Nguyễn Thành Vinh rời đội. "Tập thể ấy mà không xuống hạng mới lạ", Công Vinh chua chát nhận xét. Tại sao CLB của một ông bầu luôn đam mê làm bóng đá sạch như bầu Kiên lại tập luyện... thiếu chuyên nghiệp đến vậy? Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc họ thiếu động lực thi đấu. Bầu Kiên thương cầu thủ, nhưng lại quá cứng nhắc. Ông không đi theo trào lưu thưởng từng trận, hay thưởng cho người ghi bàn, thế nên đội bóng cứ thế phát triển như một rừng cỏ dại.

1 thập niên từ cuộc 'nổi dậy' của bầu Kiên, bóng đá Việt Nam đi về đâu? - Ảnh 5

Hà Nội ACB từ thời bầu Kiên tiếp quản lên xuống hạng như cơm bữa, nhưng ông vẫn quyết làm bóng đá theo cách của riêng mình, như ông từng nói: "Có ai làm bóng đá như Việt Nam không? Có ai thích thưởng như thế không? Tôi không phản đối các ông bầu rải tiền làm bóng đá, nhưng hãy nhìn lại mặt bằng bóng đá Việt Nam, nhìn trình độ cầu thủ Việt Nam để thấy có xứng đáng không?".

Ảnh: VSI

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá